Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, lãi suất cho vay đã giảm 0,3% so với thời kỳ trước Covid-19. Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng mạnh dạn điều chỉnh bốn lần giảm lãi suất điều hành .
Mục đích là để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.
"Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới giảm khoảng 1% so với năm 2022 và so với trước đại dịch Covid-19 đã bằng thậm chí giảm thấp hơn khoảng 0,3%", Thống đốc nói.
Bà khẳng định, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn thách thức vì kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác. Ở trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn, tạo áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Đặc biệt khi chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong mọi tình huống.
Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với liều lượng và thời điểm hợp lý để đóng góp chung vào thành công công chung của nền kinh tế là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn.
Khi thiết kế các chính sách điều hành tiền tệ, NHNN luôn tập trung vào việc đưa ra các chính sách ứng phó với các diễn biến trước mắt nhưng cũng phải thực hiện các giải pháp căn cơ về trung và dài hạn. Có như vậy, mới đảm bảo cân đối vĩ mô bền vững.
Kiểm toán Nhà nước: chưa đạt mục tiêu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%