Vietstock - Ông Đinh La Thăng phản bác cáo trạng
Cựu bộ trưởng Đinh La Thăng bị xét hỏi trong ngày thứ ba diễn ra phiên tòa, phản bác cáo buộc "can thiệp cấp dưới" để Út "Trọc" mua được quyền thu phí cao tốc Trung Lương.
Sáng 16/12, TAND TP HCM (HM:HCM) tiếp tục xét xử ông Thăng; nguyên thứ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường; cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng 17 bị cáo về các sai phạm khi bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương và "ăn chặn" tiền của nhà nước, gây thiệt hại 725 tỷ đồng.
Ông Thăng được HĐXX gọi thẩm vấn, sau khi đã xét hỏi hơn 10 bị cáo. Trong vụ án này, cựu bộ trưởng GTVT bị cáo buộc "phớt lờ" các quy định khi chỉ đạo chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ông Thăng biết Công ty Yên Khánh (của Đinh Ngọc Hệ) không thanh toán tiền trúng đấu giá như cam kết, vi phạm quy chế bán đấu giá, hợp đồng phải bị chấm dứt trước hạn và phải trả lại quyền thu phí cho Nhà nước nhưng đã can thiệp cho Hệ "trả từ từ".
Ông Đinh La Thăng được đưa đến tòa sáng 16/12. Ảnh: Hữu Khoa.
|
Trả lời HĐXX, cựu bộ trưởng GTVT cho rằng, lời khai của các bị cáo "có ý đúng, có ý chưa đúng". "Ví dụ, ông Trường nói tất cả văn bản gửi cho bộ trưởng là không đúng. Quyết định về giá tài sản, đơn vị trúng đấu giá, hợp đồng hai bên ký với nhau không gửi cho tôi. Tôi ở tù nên chỉ tiếp nhận những tài liệu của cơ quan điều tra gửi".
Theo ông Thăng, dự án này ông không trực tiếp chỉ đạo, đã giao cho thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, chỉ những văn bản nào ông này không ký được mà trình lên thì Bộ trưởng mới ký. Tương tự như sau ở giai đoạn sau, tháng 6/2015, khi Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (hiện là Bộ trưởng GTVT) thay ông Trường, trình ký văn bản liên quan Công ty Yên Khánh, bị cáo mới bút phê "đề nghị làm đúng pháp luật".
Chủ tọa hỏi: "Trong việc Công ty Yên Khánh tham gia mua quyền thu phí, Hệ và Minh (Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, quản lý cao tốc, thuộc Bộ GTVT) khai là bị cáo có gọi điện cho bị cáo Minh để giới thiệu Hệ?".
"Tôi không gọi", ông Thăng trả lời. "Ông Minh không có vai trò nhiệm vụ gì trong đó. Hơn nữa, việc này thuộc thẩm quyền của Bộ nên không có lý gì mà tôi phải gọi cho ông Minh".
Cựu bộ trưởng cũng nói thêm: "Cáo trạng nêu bị cáo và Hệ 'có mối quan hệ từ trước nên giới thiệu' là mang tính suy đoán, không có căn cứ bởi có những bị cáo đến đây tôi mới gặp, chứ không tác động gì. Cáo trạng nêu như vậy sai sự thật, quy chụp tôi".
Theo cáo trạng, ông Thăng nhận thức rất rõ quyền thu phí cao tốc Trung Lương là tài sản đặc thù, có giá trị lớn, cần tìm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí, nhưng vẫn giúp công ty của Đinh Ngọc Hệ (kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí. Hành vi này của ông Thăng bị cho là xuất phát từ mối quan hệ quen biết từ trước với thượng tá quân đội, tạo tiền đề cho Hệ có cơ hội chiếm đoạt 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Tháng 2/2012, ông Thăng điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, thuộc Bộ GTVT, quản lý cao tốc Trung Lương) "tạo điều kiện" để công ty của Hệ trúng thầu quyền thu phí cao tốc. Khi doanh nghiệp chậm thanh toán tiền, ông Thăng yêu cầu "để doanh nghiệp trả từ từ".
Quá trình tổ chức đấu giá, ông Thăng ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và Tổ thường trực giúp việc, giao thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động xây dựng hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá được ông Trường báo cáo Bộ trưởng. Thông qua các tài liệu này, ông Thăng biết việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định của pháp luật, để cho Công ty Yên Khánh trúng thầu theo ý định ban đầu của mình.
Ngoài ra, ông Thăng còn bút phê đề xuất để Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và đề nghị cho công ty này cấn trừ vào tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí, dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định.
Năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt có thời hạn) trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.
Quốc Thắng - Dương Trang