Vietstock - Lạ lùng dù dịch bệnh, thu ngân sách nhà nước vẫn vượt chi hiếm thấy
Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước tiếp tục tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn cả so với thời điểm chưa có dịch COVID-19. Trong khi chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, sau nửa năm vẫn chưa đạt 1/3 kế hoạch cả năm. Điều hiếm thấy là ngân sách nhà nước xuất hiện thặng dư lớn khi thu vượt chi.
Thu ngân sách tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nhiều DN gặp khó khăn do COVID-19, nhưng thu ngân sách vẫn tăng mạnh, kể cả so với thời điểm chưa có dịch, thu vượt chi. Trong khi chi đầu đầu tư công vẫn chậm giải ngân.
|
Lực đỡ từ ô tô, tài chính, bất động sản
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 6 giảm nhẹ so với tháng 5, điều này do dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại nhiều tỉnh thành, nhiều địa phưng phải áp dụng biện pháp giãn cách, dừng kinh doanh để phòng dịch. Bên cạnh đó, các chính sách gia hạn thời gian nộp tiền thuế và thuê đất cũng tác động làm giảm số thu.
Dù vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước vẫn ước đạt 775 nghìn tỷ đồng (đạt hơn 57% dự toán năm). Đáng chú ý, dù dịch bệnh, nhưng số thu ngân sách nửa năm qua vẫn tăng tới hơn 15% so cùng kỳ năm 2020, và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa có dịch COVID-19). Trong đó, số thu tăng ấn tượng nhất là thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu, đạt lần lượt gần 80% và 70% kế hoạch cả năm.
Trong thu nội địa, các lĩnh vực đóng góp lớn về tăng trưởng cho ngân sách là sản xuất bia, sản xuất và lắp ráp ô tô, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Số đóng góp cho ngân sách những lĩnh vực này tăng lần lượt hơn 13% so với cùng kỳ năm trước và tới tới 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong các khoản thu từ khối doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn tăng mạnh nhất, tiếp đến là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và khu vực doanh nghiệp nhà nước xếp sau. Xét theo địa phương, có 60/63 tỉnh thành đảm bảo tiến độ thu nội địa theo kế hoạch.
Chi đầu tư vẫn... ỳ ạch
Ở nội dung chi, nửa năm qua, ngân sách nhà nước đã chi hơn 694 nghìn tỷ đồng (bằng 41% dự toán). Trong đó, chi đầu tư phát triển mới đạt hơn 133 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 28% dự toán Quốc hội giao.
Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, do tiến độ chi thấp hơn thu, nên tổng cân đối ngân sách nửa năm qua vẫn thặng dư lớn (thu lớn hơn chi). Phần thặng dư này tới từ số kết dư của ngân sách địa phương, trong khi ngân sách trung ương vẫn bội chi.
Nhờ thặng dư ngân sách, cơ quan quản lý tài chính có cơ hội để điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ.
Bộ Tài chính dự báo, số thu ngân sách nửa cuối năm có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn, khi dịch COVID-19 tác động mạnh tới hoạt động kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam, với nhiều địa phương là trọng điểm về kinh tế, tập trung các khu công nghiệp.
Về chi ngân sách cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19, theo Bộ Tài chính, tới hết tháng 6, đã chi gần 2.200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. Trong đó, chi 1.237 tỷ đồng bổ sung kinh phí mua vắc-xin COVID-19 cho Bộ Y tế, chi 562 tỷ đồng mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế phòng chống dịch; hỗ trợ 376 tỷ đồng cho các địa phương. |
Lê Hữu Việt