Vietstock - Kinh tế đang hồi phục: Chạy đua với đơn hàng
Đơn hàng không thiếu, giá nhiều mặt hàng tăng..., vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay chính là nhân lực. Nếu Nghị quyết 128 của Chính phủ được thực hiện đúng, bài bản thì đà phục hồi kinh tế quý 4 sẽ mạnh mẽ trở lại.
Không lo thiếu đơn hàng, chỉ lo thiếu lao động
Liên tục rao tuyển lao động từ đầu tháng 10 đến nay nhưng có rất ít người đến công ty nộp hồ sơ, Ban Giám đốc Công ty CP kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) như ngồi trên đống lửa vì đơn hàng cả trong nước lẫn xuất khẩu đều bị khách thúc giục.
Doanh nghiệp sản xuất đang chạy đua phục hồi trong quý cuối năm. Phạm Quang Vinh |
“Công ty đang nợ đơn hàng, đối tác thì thúc giục, hờn giận do bước vào mùa cao điểm cuối năm mà không thể nào làm kịp”, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty APT, nói. Công ty APT đã sản xuất bình thường với 75% lao động so với trước đây và chỉ còn khoảng 100 lao động vì nhiều lý do chưa quay lại nhà máy. Nhưng với nhu cầu tăng cao dịp cuối năm thì đơn vị này đang cần đến hơn 200 lao động cho các hoạt động của mình. Tuy nhiên, tuyển mãi vẫn không đủ người khiến công ty thận trọng hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2022.
DN đang cùng nền kinh tế đất nước chạy đua để phục hồi. Chính sách đã mở, linh hoạt hơn, cần trao sự linh hoạt đó ngay và luôn cho DN. Phải tháo gỡ thoáng nhất để DN, nhất là DN trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu tăng tốc. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) |
“Để phục hồi sản xuất, thiếu hụt lao động đang là thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp (DN) lúc này. Chúng tôi phải tính toán thay đổi lại quy trình sản xuất, quản lý phù hợp với tình hình mới và nhất là trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Thế nhưng, để đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ thì cần có nhiều tiền và đây là khó khăn tiếp theo mà DN phải đối diện. Chẳng hạn để đầu tư một băng chuyền tự động để đưa hàng hóa từ sản xuất vào kho tốn hơn 1 triệu USD (tương đương gần 23 tỉ đồng) thì có thể giảm được hơn 50% số lao động cho quy trình này. Hay đầu tư một dây chuyền cấp đông cũng khoảng 1 triệu USD thì sẽ thay được khoảng 30% lao động... Nếu để DN tự vay ngân hàng với lãi suất thông thường thì hoạt động của DN sẽ chịu nhiều áp lực khi mức khấu hao quá lớn”, ông Dũng chia sẻ.
Là một trong những DN xuất khẩu gạo lớn khu vực miền Tây Nam bộ, cũng có cùng nỗi khổ thiếu hụt lao động sau 3 tuần tái hoạt động, ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty Vrice Group, cho biết công ty thiếu từ người làm ngoài đồng, vào nhà máy, ra đến cảng… tới 40% so với nhu cầu. Theo ông Có, nếu hiểu đúng và làm theo tinh thần Nghị quyết 128 là “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả” thì bên cạnh những biện pháp 5K, công nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin, cho đi lại bình thường thì hoạt động của DN sẽ suôn sẻ hơn, nhất là trong lúc đơn hàng và giá xuất khẩu gạo đang có chiều hướng tăng. Ông Có mong các địa phương thống nhất cho phép những người lao động đã tiêm đủ 2 mũi, hoặc F0 đã hết bệnh quay trở lại tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường để DN gia tăng công suất.
Địa phương cần chạy đua cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp tại TP.HCM (HBA), cho rằng Chính phủ xác định trong phòng chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài, cần sự tham gia của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là DN. Ví dụ tại TP.HCM, DN áp dụng biện pháp chống dịch khá “linh hoạt” và đầy trách nhiệm. Nhiều DN hoạt động lại trong khu công nghiệp đều có công nhân bị F0 dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Đa số DN đều bình tĩnh khoanh vùng, đưa vào khu thu dung điều trị ngay, không có chuyện đóng cửa nguyên dây chuyền hay nhà xưởng. Điều này là cơ hội để các DN nhanh chóng hồi phục sản xuất từ nay đến cuối năm. Vì vậy, ông Dũng cho rằng rất cần các địa phương khác cũng nhanh chóng áp dụng linh hoạt như với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên để họ đi lại, làm việc như bình thường. Đó cũng là tạo điều kiện cho DN quay lại sản xuất nhanh chóng.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định việc quy định phân chia 4 vùng đỏ - cam - vàng - xanh khá chi tiết theo Nghị quyết 128 của Chính phủ để DN quay trở lại sản xuất kinh doanh theo hướng bình thường. Chính phủ cũng chỉ đạo các tỉnh thành phải áp dụng linh hoạt, bảo đảm lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu... Điều đó khẳng định mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và mở cửa sản xuất kinh doanh phù hợp tiến trình tiêm chủng, kềm sự bùng phát của dịch.
“Quý 4/2021 là rất quan trọng đối với DN. Đây là quý mà nhu cầu mua sắm tại các nước trong mùa giáng sinh và năm mới rất cao. Thế nên DN chậm ngày nào là thiệt thòi ngày đó. DN đang cùng nền kinh tế đất nước chạy đua để phục hồi. Chính sách đã mở, linh hoạt hơn, cần trao sự linh hoạt đó ngay và luôn cho DN. Phải tháo gỡ thoáng nhất để DN, nhất là DN trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu tăng tốc. Lực lượng lao động tiêm 2 mũi trở lại hoạt động bình thường. Với những người mới tiêm 1 mũi cũng nên cho bình thường với điều kiện có thể xét nghiệm định kỳ hoặc để DN tự quyết. Khi có ca F0 trong nhà máy, DN có thể tách F0 đó ra cho về nhà hỗ trợ điều trị hoặc trong khu thu dung. Bên cạnh đó, người từ vùng vàng, vùng xanh sang vùng xanh làm việc, nếu đã tiêm 2 mũi, không cần thiết phải “siết” bằng các biện pháp xét nghiệm, cách ly… Cứ theo tinh thần nghị quyết thì kinh tế sẽ phục hồi nhanh và tốt hơn mong đợi”, ông Thịnh nhấn mạnh.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng để kinh tế hồi phục nhanh nhất thì các tỉnh thành dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể đóng cửa hoạt động của các DN, đặc biệt là những tỉnh thành đã có tỷ lệ tiêm vắc xin cao. Đồng thời không thể hạn chế, cản trở lưu thông hàng hóa, nguyên phụ liệu vì điều đó tác động trực tiếp cho hoạt động của DN. Tùy thuộc vào mức độ diễn biến dịch, chỉ có thể hạn chế một số dịch vụ trong nhà hay một số dịch vụ có đông người tiếp xúc bằng cách giới hạn số lượng người tham gia. Ông nhấn mạnh: “Việc để cho các DN chủ động sản xuất và phòng chống dịch là đã tạo điều kiện để kinh tế có thể hồi phục nhanh nhất. Bên cạnh đó, để gia tăng lại số lượng lao động cho các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM thì chính quyền địa phương lẫn Chính phủ phải hỗ trợ về an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho những người bị mất việc tạm thời để họ an tâm quay trở lại”.
“Nếu để DN tự vay ngân hàng với lãi suất thông thường thì hoạt động sẽ chịu nhiều áp lực khi mức khấu hao quá lớn. Chính phủ nên xem xét mở rộng đối tượng, chính sách để DN tiếp cận nhiều hơn với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hay một quỹ đầu tư phát triển tương tự với lãi suất ưu đãi hơn. Sau đại dịch, việc đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa VN là cấp thiết cũng như để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế”. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn |
Mai Phương