Vietstock - Dow Jones sụt gần 800 điểm khi xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang
Chứng khoán Mỹ lại giảm vào ngày thứ Hai (07/3), sau 4 tuần lao dốc liên tiếp, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại giá năng lượng tăng cao do xung đột Nga – Ukraine sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và làm gia tăng lạm phát.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones rớt 797.42 điểm (tương đương 2.37%) xuống 32,817.38 điểm, chịu sức ép bởi đà lao dốc gần 8% của cổ phiếu American Express. Chỉ số S&P 500 lùi 3% xuống 4,201.09 điểm, giảm sâu vào vùng điều chỉnh. Chỉ số này đã sụt hơn 12% so với mức đóng cửa kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite mất 3.6% còn 12,830.96 điểm, và hiện nằm trong vùng thị trường con gấu, sụt hơn 20% so với mức đóng cửa cao mọi thời đại.
Khi xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn ra, nhà đầu tư đang theo dõi những khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế của sự gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Vào đêm ngày Chủ nhật (06/3), giá dầu WTI chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang. Hợp đồng dầu WTI tương lai có thời điểm đạt 130 USD/thùng trước khi suy giảm. Khép phiên ngày thứ Hai, hợp đồng dầu WTI vọt 3.2% lên 119.40 USD/thùng.
Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng vọt cùng với giá dầu. Cổ phiếu Baker Hughes vọt 4.7%. Cổ phiếu Chevron cộng 2.1% và cổ phiếu Exxon Mobil tăng 3.6%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong số những mã giảm mạnh nhất vào ngày thứ Hai, với cổ phiếu Citigroup lùi 1.8% và cổ phiếu U.S. Bancorp sụt 3.9% khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về đà giảm tốc tăng trưởng kinh tế.
Cổ phiếu McDonald’s, Starbucks và Nike (NYSE:NKE) đồng loạt ghi nhận sắc đỏ vào ngày thứ Hai do lo ngại giá khí đốt tăng vọt sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Vào ngày 06/3, giá khí đốt đã tiến lên mức cao nhất kể từ năm 2008, với trung bình đạt 4.06 USD/gallon, theo AAA (HM:AAA). Các cổ phiếu hàng không, du thuyền và du lịch cũng giảm vì lý do tương tự.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 06/3 cho biết Mỹ và các đồng minh đang xem xét cấm nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga để đáp trả cuộc tấn công của nước này vào Ukraine.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng cho biết rằng đang “hết sức xem xem đến luật pháp” để cấm nhập khẩu dầu Nga – một động thái sẽ “cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu”.
Các nhà dự báo cho rằng Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn với lạm phát cao hơn, nền kinh tế châu Âu sẽ gần suy thoái và GDP của Nga sẽ giảm 2 con số trong bối cảnh xung đột địa chính trị.
Bất chấp các động thái né tránh rủi ro, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, cho thấy nhu cầu các tài sản trú ẩn an toàn đã ít hơn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần đây nhất ở mức 1.77%, tăng nhẹ trong phiên do lo ngại lạm phát thúc đẩy lợi suất tăng.
An Trần (Theo CNBC)