Các quyết định về chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương được dự báo sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ từ tháng 3 năm 2022 để kiềm chế lạm phát. Đến tháng 7 năm 2023, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm và giữ nguyên trong khoảng 5,25% - 5,50% cho đến hiện tại.
Trong bối cảnh đó, sức mạnh của USD tăng vọt.
Vào tháng 7 năm 2022, lần đầu tiên sau 20 năm đồng USD đạt mức ngang bằng với đồng euro. Tức USD và euro có tỷ giá hối đoái 1:1. Đầu tháng 7 năm nay, đồng USD đạt mức mạnh nhất so với đồng yên trong 38 năm.
Theo Jonathan Petersen, chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao và và chuyên gia ngoại hối tại Capital Economics, đồng USD mạnh sẽ khiến mọi thứ người Mỹ mua ở nước ngoài trở nên rẻ hơn. Có thể nói, chưa bao giờ người Mỹ đi du lịch Nhật Bản lại rẻ đến thế.
ĐỒNG USD ĐƯỢC DỰ BÁO SẼ SUY YẾU KHI FED CẮT GIẢM LÃI SUẤT
Trong vài tuần qua, thị trường tài chính biến động mạnh mẽ ảnh hưởng đến đồng bạc xanh. Nhà đầu tư nhận ra rằng các ngân hàng trung ương vẫn có khả năng đưa ra những quyết định gây bất ngờ.
Sau nhiều năm “án binh lãi suất”, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã tăng lãi suất thêm 15 điểm cơ bản. Thống đốc Kazuo Ueda đã có bài phát biểu cứng rắn đề cập rằng lãi suất vẫn còn “thấp”. Đồng yên Nhật tăng vọt sau tin tức này, gây áp lực lên đồng USD. Cùng lúc, đồng USD gặp khó khăn trước hàng loạt số liệu kinh tế vĩ mô yếu làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng của Mỹ.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn chứng minh khả năng phục hồi của mình và lo ngại đã lắng xuống. Niềm tin vào việc Fed cắt giảm lãi suất đã ổn định. Kết quả là, đồng USD suy yếu trong phần lớn tháng 8.
Trong biên bản cuộc họp chính sách ngày 30-31/7 của Fed được công bố ngày 22/8, các quan chức đang tiến gần hơn đến quyết định cắt giảm lãi suất mà thị trường mong đợi bấy lâu.
Và những quyết định về chính sách lãi suất thường sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD.
Theo chuyên gia Jonathan Petersen, môi trường lãi suất cao của Mỹ nhìn chung có lợi cho đồng USD. Nói cách khác, lãi suất tăng là cơ sở cho đồng USD mạnh hơn các loại tiền tệ nước ngoài. Như vậy, người Mỹ khi ra nước ngoài có thể mua được nhiều thứ hơn bằng tiền của mình.
Ngược lại, ông Petersen giải thích rằng lãi suất giảm có xu hướng “ảnh hưởng tiêu cực đến đồng USD”. Đồng USD yếu hơn có nghĩa là người Mỹ có thể mua ít hàng hóa hơn ở nước ngoài.
Sau hàng loạt tín hiệu dự kiến cắt giảm lãi suất trong năm nay, vị chuyên gia này dự đoán đồng USD sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong năm tới. Tuy nhiên, đây không phải một lời khẳng định. Một số chuyên gia tài chính khác cho rằng đồng bạc xanh có thể duy trì sức mạnh.
Thậm chí, giám đốc đầu tư Richard Madigan tại JP Morgan (NYSE:JPM_pj) Private Bank từng viết: “Nhiều dự đoán cho rằng đồng đô la Mỹ sẽ sụp đổ. Tôi vẫn tin rằng đồng USD là ‘thằng chột làm vua xứ mù’”.
DỰ BÁO ĐỒNG USD VÀ CÁC KỊCH BẢN TIỀM NĂNG
Thực tế, động lực thúc đẩy sự biến động của đồng USD phức tạp hơn nhiều so với việc Fed tăng hay giảm lãi suất.
Các nhà kinh tế cho biết sự khác biệt trong lãi suất của Mỹ so với các quốc gia khác là một yếu tố lớn. Chính sách của Fed không tồn tại một mình. Các ngân hàng trung ương khác cũng đưa ra các quyết định riêng về lãi suất.
Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Trong khi đó, Fed đã giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn. Điều đó khiến chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và châu Âu đã được nới rộng, giúp hỗ trợ đồng USD.
Nhưng nhìn chung, kinh tế phát triển thúc đẩy sức mạnh của đồng tiền. Còn việc cắt giảm lãi suất sẽ có tác dụng ngược lại, làm suy yếu đồng USD.