Vietstock - Ngành ngân hàng 2020: Khó khăn cho ngân hàng nhỏ?
Mặc dù nhận định các ngân hàng nhỏ sẽ khó cạnh tranh nhưng phần lớn các chuyên gia nhận định ngành ngân hàng trong năm 2020 vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Trước những chính sách điều hành, can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để điều tiết thị trường, 2019 có thể nói là một năm bình ổn đối với ngành ngân hàng, thậm chí còn có xu hướng tốt lên khi các nhà băng công bố số ước kết quả kinh doanh đều khả quan.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và kỷ niệm 28 năm thành lập, Sacombank (HM:STB) dự kiến vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm 2019 so với kế hoạch tại ĐHĐCĐ đề ra. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank dự kiến đạt gần 3,200 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 457,000 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413,000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296,000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 1.75%.
Một vị đại diện BIDV (HM:BID) cũng cho biết năm 2019, ước quy mô tổng tài sản của BIDV đạt 1.4 triệu tỷ đồng, là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Tổng dư nợ vay ước đạt 1.1 triệu tỷ đồng, số dư huy động vốn đạt 1.15 triệu tỷ đồng.
Ngành ngân hàng thực tế đã tăng trưởng ổn định trong những năm vừa qua khi nhận được sự hỗ trợ từ tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao. Môi trường kinh doanh ổn định cũng giúp hoạt động đầu tư, tiêu dùng gia tăng, qua đó, thúc đẩy ngành ngân hàng tăng trưởng. Năm 2020, các ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó không chỉ tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh mà còn tìm cách giải quyết bài toán an toàn vốn.
Ngân hàng nhỏ có khả năng gặp khó
|
Nhận định về tình hình thị trường ngân hàng năm 2020, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng nhỏ sẽ có khả năng gặp khó khăn. Hiện nay, các ngân hàng nhỏ vẫn chưa thực sự có những chiến lược riêng dựa trên vị thế của mình. Các ngân hàng nhỏ vẫn đi theo mô hình của những ngân hàng lớn một cách dàn trải, vẫn xem tín dụng là cốt lõi, và chất lượng tín dụng vẫn chưa có chiều sâu. Nhiều ngân hàng nhỏ còn tập trung vào bất động sản, ít tập trung vào dịch vụ, sản xuất.
Ngoài ra, khi các ngân hàng nhỏ thiếu vốn cũng tăng lãi suất huy động, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có chỉ thị khống chế trần lãi suất huy động. Rõ ràng, sắp tới, nếu không có chiến lược theo chiều sâu và có giá trị cốt lõi riêng, vẫn theo chiến lược cạnh tranh trên diện rộng với các ngân hàng lớn, chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Sắp tới việc áp dụng chuẩn Basel II cùng với việc giám sát chặt của NHNN, đặc biệt trong việc huy động vốn. Các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn. Ngược lại, các ngân hàng đã có thương hiệu, có hệ thống và có nguồn vốn mạnh sẽ tiếp tục phát triển. Do đó, sự cạnh tranh sẽ có sự phân hóa khiến các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn.
|
Nhận định thêm về khó khăn khi tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, PGS.TS. Trương Quang Thông – Giảng viên khoa Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, tăng vốn điều lệ về số tuyệt đối là điều hiển nhiên, và dễ hiểu. Đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 22/2019/TT-NHNN điều chỉnh lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn.
“Nếu việc tăng vốn điều lệ vẫn luôn là một khó khăn cho các ngân hàng Việt Nam, thì để tuân thủ Basel II, họ chỉ còn có cách là hạn chế tối đa các hoạt động rủi ro, lựa chọn những chiến lược kinh doanh phù hợp với những đặc thù về thị trường và năng lực hoạt động của mình”, PGS.TS. Trương Quang Thông nói thêm.
Vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng
|
TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho rằng, thị trường ngân hàng năm 2020 có khá nhiều tiềm năng. Vì trước hết là tỷ lệ người lớn có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chỉ khoảng 40% theo thống kê của ngân hàng Thế giới, con số này còn khá nhiều tiềm năng so với bình quân khu vực là 60-70% và Trung Quốc là 80%. Thứ hai, ngân hàng số phát triển tương đối mạnh. Thứ ba, tình hình tài chính và quản trị điều hành sẽ tiếp tục cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức, trong đó, trước hết liên quan đến vấn đề an toàn vốn. Nếu Trung Quốc và Chính phủ không sớm thông qua tăng vốn điều lệ cho các NHTM có yếu tố Nhà nước thì các ngân hàng này sẽ vất vả trong yêu cầu về Basel II và tăng trưởng tín dụng.
Tiếp đến, môi trường pháp lý cho kinh tế số nói chung và tài chính số ngành ngân hàng nói riêng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường.
Thứ ba, chuyện tái cơ cấu của nền kinh tế nói chung và TCTD nói riêng và vấn đề xử lý nợ xấu. Cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa mới đảm bảo tiến độ và chất lượng yêu cầu đề ra.
Cát Lam