Theo ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, với hiện trạng của nền kinh tế thế giới như hiện nay thì khả năng tăng lãi suất tiếp là rất nhỏ và không còn nhiều dư địa để các NHTW thế giới tiếp tục tăng lãi suất nữa. Động thái cắt giảm của NHNN tương đối nhanh và đi trước so với các ngân hàng trung ương trên thế giới
Tại talkshow "Dòng chảy tài chính" ngày 8/4, ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đợt giảm lãi suất thứ hai là sự bổ sung cho đợt một. Bên cạnh việc NHNN tiếp tục giảm trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên, NHNN lần này còn cắt giảm lãi suất tái cấp vốn đặc biệt là trần lãi suất huy động đối với khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn cũng như không kỳ hạn.
Việc này giúp cho huy động vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm nhanh hơn. Hai đợt cắt giảm lãi suất này mang tính toàn diện hơn, rộng hơn và là điều kiện để các NHTM có thể cắt giảm lãi suất đầu ra trong thời gian tới.
Lý giải nguyên nhân tại sao NHNN lại quyết định giảm lãi suất điều hành 2 lần trong một tháng, ông Thế Anh cho biết có nhiều ý kiến cho rằng động thái cắt giảm của NHNN tương đối nhanh và đi trước so với các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới. Tuy nhiên căn cứ cả vào bên trong hay bên ngoài thì việc cắt giảm lãi suất vừa rồi không có gì là bất ngờ cả.
Đối với điều kiện trong nước, lạm phát của Việt Nam đã đạt đỉnh vào tháng 1, trong 2 tháng vừa qua thì giảm. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam khoảng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, đến tháng 2 chỉ còn 4,3% và tháng 3 chỉ còn hơn 3,3%.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế trong quý 1 chỉ đạt hơn 3,3% và suy yếu ở cả cầu bên ngoài lẫn bên trong. Do vậy để trợ giúp cho nền kinh tế thì việc cắt giảm lãi suất càng hợp lý hơn.
Đối với điều kiện bên ngoài, ông đánh giá mặc dù thế giới vẫn còn bất ổn tuy nhiên lạm phát và lãi suất trên thế giới gần như đang ở vùng đỉnh. Nếu trong trường hợp họ có tăng lãi suất thêm thì cũng tăng nhỏ thôi. Giá nhiều nguyên vật liệu đang chững và đi ngang. Do vậy cả điều kiện bên trong lẫn bên ngoài đang ủng hộ cho việc cắt giảm lãi suất ở trong nước.
Ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân |
Thị trường nhiên liệu thế giới khá là bất ổn. Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (khối OPEC) cắt giảm sản lượng một mặt làm gia tăng sức ép lạm phát về chi phí đẩy trên thế giới, tuy nhiên mặt khác lại càng làm cho kinh tế thế giới càng khó khăn hơn. Do vậy các NHTW lớn trên thế giới đứng trước sự lựa chọn rất khó khăn.
“Nếu tiếp tục tăng lãi suất thì sẽ đẩy nền kinh tế càng sâu vào khó khăn hơn và có thể dẫn đến suy thoái. Nếu cắt giảm lãi suất thì có thể sức ép lạm phát cao hơn. Ở đây vẫn là câu chuyện đánh đổi giữa mục tiêu lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng”, ông nhận định.
Với hiện trạng của nền kinh tế thế giới như hiện nay thì khả năng tăng lãi suất tiếp là rất nhỏ và không còn nhiều dư địa để các NHTW thế giới tiếp tục tăng lãi suất nữa.
Đối với điều kiện trong nước, tỷ lệ lạm phát đang có xu hướng giảm. Tất nhiên chúng ta đang đối mặt với sức ép lạm phát nhất định từ chi phí đẩy tuy nhiên sức cầu của nền kinh tế đang yếu cộng với sự đóng băng của thị trường tài sản trong hơn nửa năm qua khiến cho sức cầu tiêu dùng cũng yếu. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất thấp.
“Do vậy tôi nghĩ rằng những điều kiện như thế đang ủng hộ cho việc cắt giảm lãi suất của NHNN. Quy mô và liều lượng cắt giảm cũng vừa phải, không quá nhiều. Mặc dù NHNN đang cắt giảm nhanh lãi suất nhưng với bước đi khá thận trọng trong việc đối mặt với ức ép lạm phát.
Dư địa điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới
Ông Thế Anh nhận định, cắt giảm lãi suất tiếp hay không thì còn phụ thuộc vào cả điều kiện bên trong và bên ngoài. Điều kiện bên trong là liệu xu hướng lạm phát trong nước có tiếp tục giảm hay không. Nếu chúng ta giữ được tỷ lệ lạm phát trong nước quanh quẩn 3 - 3,5% thì là điều kiện tốt.
Ngoài ra, ông đánh giá điều này cũng phụ thuộc vào xu hướng điều chỉnh chính sách. Nếu các NHTW lớn trên thế giới dừng điều chỉnh chính sách hoặc đảo chiều chính sách, mở rộng tiền tệ, hạ lãi suất thì đó là những điều kiện tốt để NHNN tiếp tục hạ lãi suất ở trong nước để nó phát huy được những hiệu quả thật sự giúp cho các doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, các thị trường trong nước hồi phục thì mặt bằng lái suất Việt Nam cần phải giảm thêm nữa