Theo chuyên gia đến từ Đại học Fulbright, việc tồn tại sở hữu chéo, có ngân hàng là "sân sau" của doanh nghiệp bất động sản cũng là một nguyên nhân khiến lãi suất vay cao. Tại hội thảo "Tìm ổn định trong bất định" diễn ra vào ngày 17/6 tại TP.HCM, lý giải về việc "Vì sao lãi suất ngân hàng cho vay ở Việt Nam cao?", TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright nhận định, hiện mức lãi suất cho vay ở Việt Nam không phải cao nhất thế giới, vì nhiều nước khác đang ở bờ vực khủng hoảng có mức lãi suất từ 30-100%/năm.
Tuy nhiên điều bất thường là lạm phát ở Việt không ở mức quá cao (2,4%), trong khi mặt bằng lãi suất cho vay lên tới 13-14%/năm.
Ông Thành cho biết, nguyên nhân lãi suất vay cao vì "niềm tin xói mòn". Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng có sự chênh lệch quá lớn về quy mô, chất lượng quản trị, sức khỏe tài chính... giữa ngân hàng tốt và ngân hàng yếu kém, đòi hỏi các ngân hàng yếu kém phải huy động vốn (lãi suất gửi tiết kiệm cao).
Đáng chú ý, chuyên gia Fulbright cũng nhận định, việc tồn tại sở hữu chéo, có ngân hàng là "sân sau" của doanh nghiệp bất động sản cũng là nguyên nhân khiến lãi suất vay cao. Trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản khó khăn, chủ ngân hàng tìm cách cho vay với lãi cao, với hi vọng vừa đỡ được ngân hàng vừa cứu được công ty bất động sản.
Song song đó, trong điều hành chính sách tiền tệ cũng có những bất cập, phi thị trường và giật cục, như việc áp quota (hạn ngạch) tín dụng, áp trần lãi suất... Điều này dẫn đến tình trạng có ngân hàng tốt cần tăng trưởng nhanh nhưng không được cho và ngược lại, khiến mặt bằng lãi suất cao.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright |
Nhìn về năm ngoái, có hai yếu tố tác động xấu đến thị trường gồm: đồng USD lên giá (Ngân hàng Nhà nước phải bán dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỉ giá), lạm phát gia tăng (phải thắt chặt tiền tệ). Năm 2023 ngược lại, bên ngoài tỉ giá VND/USD đã ổn định trong suốt nhiều tháng (mua lại ngoại tệ, bơm tiền đồng ra), còn lạm phát cũng đã qua đỉnh.
Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang gặp áp lực làm sao hạ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trở lại. Mục tiêu cả năm nay tốc độ tăng trưởng tín dụng 14-15%, nhưng tính tới cuối tháng 5 vừa qua mới tăng hơn 3% và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Với diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực vừa bơm tiền ra, vừa hạ lãi suất, để tăng trưởng tín dụng. Vì vậy ông Thành đánh giá đây là tác động lớn nhất cho thị trường trong nửa cuối năm nay.
Về chính sách tài khóa, nếu như năm ngoái thắt chặt, thì năm nay nới lỏng với trọng tâm đẩy mạnh đầu tư công. Gần đây nhiều người đặt vấn đề vì sao có tồn đọng tới 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ quốc gia đang gửi ngân hàng, nhưng không không tiêu để thúc đẩy nền kinh tế.
Về vấn đề này, ông Thành cho biết có hai yếu tố gây cản trở đầu tư công, bao gồm: chưa chuẩn bị dự án và nỗi sợ rủi ro nên không dám ký. Năm ngoái bên cạnh trường hợp không đặt bút ký vì sợ rủi ro, thì còn có khó khăn là nhiều dự án chuẩn bị không kịp, nên không thể phân bổ vốn đầu tư.
Năm nay yếu tố chưa chuẩn bị dự án đã khắc phục được, vì đã phân bổ gần 700.000 tỉ đồng, đạt khoảng 98% kế hoạch được giao. Việc sợ rủi ro cũng được giải quyết đáng kể, hiện đã tiêu hơn 20% trong tổng ngân sách. Tốc độ chi rất lớn, đặc biệt cho các dự án giao thông. Cho thấy "có sợ củi sợ lửa, nhưng có tiền cũng phải chi."
Ông Thành cũng nhấn mạnh, tăng đầu tư công là quyết tâm rất cụ thể của Chính phủ trong thời gian hiện nay, không thể đảo ngược. Chuyên gia cũng dự đoán, hai năm tiếp theo cũng sẽ duy trì mức giải ngân vốn đầu tư công cao.