Chu kỳ tăng giá của đồng USD thêm một lần nữa nhắc nhở các nhà điều hành tiền tệ trên khắp thế giới về thế thống trị và sức mạnh áp đảo của đồng bạc xanh. Đồng USD tăng mạnh khiến nhiều đồng nội tệ yếu đi và là nguyên nhân khiến giá hàng hóa và dịch vụ tăng chóng mặt. Điều này tạo thêm sức ép tài chính, chẳng hạn khi đồng Yen trượt giá so với USD - giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, 13% so với đồng euro và 6% so với các đồng tiền khác. Tỷ giá đồng ruble của Nga đã giảm xuống mức gần thấp nhất kể từ cuối tháng 4/2022 - giảm 0,1% so với đồng USD xuống 73,88 ruble/USD.
Theo các nhà phân tích, đồng USD tăng giá hiện có lợi cho Mỹ nhưng gây khó khăn cho phần còn lại của thế giới. Hàng hóa nhập khẩu vào các nước đắt hơn làm tăng thêm áp lực lạm phát hiện có, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và chính phủ vay bằng USD, Các ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất để cố gắng nâng đỡ đồng tiền của họ và giữ cho tiền không chảy ra khỏi biên giới. Nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Đối với người Mỹ đi du lịch nước ngoài, đồng USD mạnh lên thực sự là một tin tốt. Giá thuê phòng khách sạn, ăn uống, hay giá những chiếc túi xách hàng hiệu đều trở nên rẻ hơn đối với du khách Mỹ, dù họ tới thăm London, Paris hay Cancun. Nhưng ngược lại đối với khách du lịch nước ngoài thăm Mỹ, mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn.
Đối với hàng hoá sản xuất Mỹ, đồng USD lên giá khiến những sản phẩm này bắt buộc phải tăng giá ở nước ngoài, trừ phi nhà phân phối địa phương chịu hấp thụ biến động tỷ giá.
Chính phủ và doanh nghiệp ở nhiều nền kinh tế mới nổi vốn phải dựa vào nguồn vốn từ phát hành trái phiếu USD. Khi đồng USD tăng giá, khối nợ đó của họ nếu tính bằng nội tệ cũng tăng mạnh theo. Việc huy động vốn tại thị trường trong nước cũng trở nên đắt đỏ hơn vì lãi suất USD tăng lên.
Đối với những nước phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu thô như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, đồng USD mạnh lên là một “cú đấm kép”. Hầu hết các hàng hoá cơ bản trên thị trường toàn cầu được định giá bằng USD, đồng nghĩa với việc các nước này phải chi nhiều nội tệ hơn để mua mỗi thùng dầu hay một giạ lúa mỳ.
Đối với giá Bitcoin, sự tăng giá của USD là một “khắc tinh”. Sau khi đạt kỷ lục gần 69.000 USD vào tháng 11/2021, giá Bitcoin hiện còn hơn 24.700 USD, tương đương mức giảm gần 70%. Nhiều nhà đầu tư cá nhân xuống tiền mua Bitcoin đã bán tháo tiền ảo này trong năm nay để chuyển vốn sang USD – tài sản mà họ cho là an toàn hơn và lãi suất đang tăng lên.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, việc USD mạnh lên có tác động khá lớn đối với kinh tế vĩ mô ở hầu hết các quốc gia, do sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các nền kinh tế và khu vực mới nổi trong khi 1/2 các khoản vay xuyên biên giới và chứng khoán nợ quốc tế được tính bằng USD.
Theo chuyên gia Robert Schein, Công ty quản lý đầu tư Blanke Schein Wealth Management có trụ sở tại Mỹ, FED cần có trách nhiệm khi dùng đòn bẩy tăng lãi suất, bởi giải pháp này như “con dao 2 lưỡi”, tuy giúp giảm lạm phát ở Mỹ nhưng sẽ làm tăng quy mô thanh toán nợ và làm tăng nguy cơ suy thoái sâu ở các nước khác.
Chu kỳ tăng giá của đồng USD thêm một lần nữa nhắc nhở các nhà điều hành tiền tệ trên khắp thế giới về thế thống trị và sức mạnh áp đảo của đồng bạc xanh.