Lượng tiền lớn trên thị trường không thiếu nhưng lại không được hấp thụ là nguyên nhân của bệnh thừa tiền. Tài chính Ngân hàngBốc thuốc cho bệnh thừa tiền: Làm thế nào để đưa 1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế?Linh Nhi • 12/09/2023 18:14Lượng tiền lớn trên thị trường không thiếu nhưng lại không được hấp thụ là nguyên nhân của bệnh thừa tiền.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ..."Lý do là doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay, đây là vấn đề rất khó!".
Khoảng 1 triệu tỷ đồng "khẩu phần" tín dụng chờ bơm vào nền kinh tế
Báo cáo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.
Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa, toàn hệ thống còn khoảng 9% dư địa để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng, lãi suất cho vay có xu hướng giảm khiến tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Giải pháp chữa "bệnh thừa tiền" của ngân hàng
Tại hội nghị gần đây, đại diện các Ngân hàng thương mại cũng chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, cho biết trong bối cảnh thanh khoản dồi dào nhưng vốn tín dụng không ra được nền kinh tế. "Ngân hàng cũng rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn”, đại diện một ngân hàng cho biết.Thực tế do nhu cầu thị trường không có nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vốn. Bởi nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa.
- Giải pháp tổng thể giải quyết bài toán vốn cho nền kinh tế:
Đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và khơi thông dòng chảy tín dụng, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.
Theo ông, để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng khó giải quyết được vấn đề. Bởi trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất) nên cần giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, phải tách bạch, "không được đánh đồng" giữa vai trò của NHNN và các ngân hàng thương mại. “NHNN cần tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS (HN:PGS).TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, chưa bao giờ Chính phủ, các cấp, các ngành điều hành quyết liệt như thời gian vừa qua, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Rõ ràng là nền kinh tế đang ở trong trạng thái không bình thường.
Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm lên, tiếp cận doanh nghiệp bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.
"Điều hành tín dụng nên có cách nhìn dài hạn, hướng về tương lai. Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ",… Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế, nhưng khó mới cần phải làm", ông Thiên nói.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh rất khó khăn vẫn có lợi thế là nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định. Đây là vấn đề rất quý và "chúng ta cũng phải vui một tý".
Theo ông Nghĩa, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này cũng phải "bàn chuyện dài hạn", tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể "kéo 100 triệu dân đi lên" trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nghĩa cho rằng đây là khu vực có khả năng lan tỏa, trước mắt cần tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần có những chính sách để doanh nghiệp "thích thú với nhà ở xã hội" theo hướng nhà nước làm chính sách, ngân hàng cho vay vốn, doanh nghiệp chỉ lo xây và bán nhà.
Về điều kiện cho vay, ông Nghĩa cho rằng, đây là quyền của các ngân hàng thương mại. Quyền lựa chọn theo "khẩu vị rủi ro" của từng ngân hàng. Nhà nước chỉ nên đưa ra khuyến cáo, không nên bắt buộc.
Ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền"