VCCI: Đánh thuế cổ tức bằng cổ phiếu khi chưa có thu nhập thực tế là chưa hợp lý
Investing.com - Trong báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á” tháng 7 công bố ngày 23/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho nhiều nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – Thái Bình Dương do xuất khẩu suy yếu trước bối cảnh Mỹ tăng thuế nhập khẩu và môi trường thương mại toàn cầu kém ổn định.
Cụ thể, ADB hạ dự báo tăng trưởng chung của khu vực xuống 4,7% trong năm 2025 (giảm 0,2 điểm % so với dự báo tháng 4) và 4,6% vào năm 2026.
Đối với Việt Nam, ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP từ 6,6% xuống 6,3% trong năm 2025, và từ 6,5% xuống còn 6,0% vào năm 2026. Dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực, phản ánh khả năng chống chịu tốt trước các cú sốc bên ngoài.
ADB cho rằng Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2025–2026, dù chịu áp lực từ thuế quan trong ngắn hạn. Nửa đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ bởi xuất nhập khẩu phục hồi và dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Cụ thể, vốn FDI đăng ký tăng 32,6% và giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.
Đầu tư công cũng đạt mức giải ngân cao nhất kể từ 2018, tương đương 31,7% kế hoạch năm và tăng gần 20% so với cùng kỳ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan đã thúc đẩy thương mại, song khả năng duy trì đà này trong nửa cuối năm là không chắc chắn.
Việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng từ 1/8 được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu xuất khẩu trong nửa cuối 2025 và sang năm 2026. PMI cho thấy sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu chững lại từ cuối năm 2024. Lạm phát được dự báo giảm xuống còn 3,9% trong năm 2025 và 3,8% vào năm 2026.
ADB nhấn mạnh rằng các cải cách trong nước, nếu được triển khai hiệu quả, có thể giúp Việt Nam giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài.
Với toàn khu vực, ADB cảnh báo triển vọng vẫn đối mặt với nhiều bất định do căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và giá năng lượng leo thang, cùng với sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Châu Á – Thái Bình Dương đã thể hiện khả năng chống chịu tốt trước môi trường bên ngoài bất lợi, song cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế và thúc đẩy hội nhập để duy trì tăng trưởng.”
Trong số các nền kinh tế lớn của khu vực, Trung Quốc được giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 4,7% trong năm nay và 4,3% năm tới. Trong khi đó, Ấn Độ được dự báo tăng 6,5% năm 2025 và 6,7% năm 2026, đều thấp hơn so với dự báo trước do ảnh hưởng từ chính sách thương mại và thuế nhập khẩu của Mỹ.