Vietstock - "Thủ phủ" đồ gỗ Bình Dương đạt kim ngạch xuất khẩu vượt 4,2 tỷ USD
Các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Dương cho biết những đơn hàng mới đang đổ về nhà máy, dự báo sẽ kín cả năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)
|
Bình Dương “thủ phủ” chế biến gỗ của cả nước đã đạt kim ngạch xuất khẩu vượt 4,2 tỷ USD trong 8 tháng năm nay.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cho biết những đơn hàng mới đang đổ về nhà máy, dự báo sẽ kín cả năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), cho biết ngành gỗ đang phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể.
“Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với mức tăng trưởng cao hơn 20% so với dự báo. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng Tám, ngành chế biến đồ gỗ trên địa bàn tỉnh xuất khẩu đạt hơn 628 triệu USD, tăng gần 25% so với tháng Bảy vừa qua; lũy kế 8 tháng của năm nay kim ngạch xuất khẩu vượt 4,2 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.
Sự gia tăng này cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đang hồi phục và sản phẩm của chúng ta ngày càng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế,” ông Liêm chia sẻ.
Hiện các doanh nghiệp đã thích ứng với các yêu cầu thị trường mới, thông qua đầu tư vào sản xuất xanh và chuỗi cung ứng sạch, số hóa.
“Doanh nghiệp không chỉ tập trung vào số lượng mà còn chú trọng chất lượng, đảm bảo sản phẩm gỗ đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ nhà nhập khẩu,” ông Nguyễn Liêm cho biết thêm.
Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương tiếp tục đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với thị trường quốc tế, tổ chức xúc tiến thương mại và đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế và phát triển sản phẩm.
Mục tiêu của ngành gỗ Việt Nam là xuất khẩu hơn 15 tỷ USD vào cuối năm nay, với Bình Dương đóng vai trò đầu tàu, hướng đến sản xuất bền vững và mở rộng thị trường mới nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cho mặt hàng chủ lực này.
Bà Đỗ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty Sao Nam tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, cho biết công ty đã nhận được nhiều đơn hàng mới từ các đối tác lớn sau những biến động thị trường.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của các đơn hàng, đặc biệt từ thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, qua đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm,” bà Loan chia sẻ.
Để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Bình Dương đang đầu tư mạnh vào công nghệ, tiếp thị và nâng cao năng lực. Ngành tập trung vào mô hình sản xuất xanh, tận dụng công nghệ số và nâng cao kỹ năng nghiên cứu thị trường nhằm đáp ứng tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế./.
Dương Chí Tưởng