Vietstock - Sàn thương mại điện tử bán chui, Bộ Công Thương đề xuất xử lý ra sao?
Bộ Công Thương đề xuất các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia sẽ không được cung cấp hàng hóa, dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam. Hàng hóa, dịch vụ nước ngoài được cung cấp vào thị trường Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Việt Nam.
Cấm sàn TMĐT xuyên biên giới bán hàng khi chưa được cấp phép
Nội dung này có trong dự thảo Luật Thương mại điện tử mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có bộ luật riêng về lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức đánh giá xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô, năm 2024 ước đạt 22 tỷ USD. Quy mô thị trường bán lẻ TMĐT trong 10 năm qua tăng nhanh, trung bình tăng 20-30% và đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền tảng mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thương mại qua mạng xã hội, các mô hình TMĐT ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng, nhưng hiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt.
Các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành và các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo quy định hiện nay, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vừa qua hàng loạt sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein... chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn cho người dùng tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Điều này tạo điều kiện cho hàng giá rẻ từ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, tạo cạnh tranh thiếu bình đẳng.
Các nền tảng TMĐT xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý Nhà nước. |
Trong dự thảo Luật TMĐT, Bộ Công Thương đưa ra nhóm hành vi bị cấm dành cho các chủ thể tham gia TMĐT. Theo đó, với đơn vị chủ quản nền tảng TMĐT, Bộ Công Thương đề xuất cấm chỉnh sửa, hoặc cấm không công khai đánh giá của người dùng, làm thay đổi nội dung đánh giá... trừ trường hợp nội dung đánh giá vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam.
Với các thương nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua TMĐT sẽ không được cung cấp hàng hóa, dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý Nhà nước về TMĐT.
Với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT (dịch vụ trung gian, logistic, thanh toán) sẽ không được hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng TMĐT chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Hàng ngoại bán trên sàn TMĐT phải đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất làm rõ trách nhiệm của chủ quản nền tảng số TMĐT bán hàng. Các nền tảng này sẽ phải phân loại hàng trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng; phải cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh.
Đặc biệt, hàng hóa, dịch vụ nước ngoài được cung cấp vào thị trường Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hàng hóa, dịch vụ của thị trường Việt Nam. Chính phủ quy định danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu qua thương mại điện tử.
Với người bán hàng trên nền tảng số trung gian TMĐT, dự thảo yêu cầu cần thực hiện định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ, cung cấp thông tin cho nền tảng số trung gian TMĐT. Trách nhiệm và điều kiện với người thực hiện livestream, hoặc những người bán hàng, dịch vụ trên nền tảng TMĐT được đề xuất thuộc danh mục các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Bộ Công Thương dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 năm nay.
Dương Hưng