Vietstock - Những vấn đề “nóng sốt” trong mùa ĐHĐCĐ ngân hàng năm nay?
Không còn gói gọn trong chuyện lãi lỗ và kế hoạch kinh doanh, mà mùa ĐHĐCĐ 2019 năm nay, các nhà băng còn phải đối mặt với nhiều vấn đề và các chính sách đang dần đến hạn.
Theo chia sẻ từ PGS.TS Trương Quang Thông – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, các áp lực tái cơ cấu, khả năng tăng vốn, vấn đề thu hẹp tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 và từ đó là vấn đế kế hoạch lợi nhuận/chính sách cổ tức là những vấn đề mà nhà đầu tư đáng quan tâm trong mùa ĐHĐCĐ ngân hàng năm nay.
Rốt ráo tăng vốn theo lộ trình Basel II
Rõ ràng trong các kế hoạch trình cổ đông sắp tới, hầu hết các ngân hàng đểu đang rốt ráo tăng vốn trong năm 2019. Mới đây là SHB (HN:SHB) dự kiến tăng gần 46% vốn điều lệ lên mức 17,571 tỷ đồng trong năm 2019 từ việc phân phối cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng. Trong khi đó, MSB cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 11,750 tỷ đồng lên 12,750 tỷ đồng trong năm 2019.
VPBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành tối đa 260 triệu cp riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30%.
TPBank lại đặt kế hoạch tăng vốn đều lệ lên mức 10,070 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18%. Tại ĐHĐCĐ vừa tổ chức, cổ đông VIB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên mức tối đa 10,900 tỷ đồng, bao gồm cả kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Còn cổ đông SCB lại thống nhất kế hoạch tăng từ 3,000 – 5,000 tỷ đồng, nếu tăng lên mức tối đa thì vốn điều lệ của SCB sẽ tăng lên 20,232 tỷ đồng.
ACB (HN:ACB) dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2019 từ chia cổ tức bằng phát hành hơn 374 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2018 với mệnh giá 10,000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện quyền là 30%. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ đạt hơn 16,627 tỷ đồng.
SeABank cũng dự kiến tăng vốn lên hơn 9,019 tỷ đồng, còn Techcombank chỉ tăng thêm tối đa 100 tỷ đồng vốn điều lệ từ phát hành ESOP.
Vấn đề minh bạch hóa thông tin, áp lực ép tái cơ cấu, tăng vốn theo lộ trình Basel II từ nay cho đến năm 2020, vấn đề thoái vốn Nhà nước tại một số ngân hàng cổ phần có thể xem như là những khó khăn, thách thức lớn cho các ngân hàng cổ phần, nhất là trong điều kiện quỹ thời gian không còn nhiều nữa.
Tái cơ cấu và câu chuyện “sân sau” ngân hàng
Bên cạnh đó, lại có những vấn đề "nóng" khác, cũng khá phổ biến là vấn đề nhân sự cấp cao và lộ trình niêm yết ngân hàng cổ phần từ nay cho đến năm 2020.
Có thể lấy ví dụ về những tranh cãi xoay quanh câu chuyện nhân sự của Eximbank những ngày gần đây. Từ một ngân hàng từng nằm trong top 10, giờ đây tăng trưởng lao dốc và ngay cả chính trong nội bộ Ban điều hành cũng có lục đục khi kiện tụng xoay quanh ghế nóng Chủ tịch HĐQT.
Ngành ngân hàng Việt Nam có vẻ thường xuyên đối phó với vấn đề nhân sự cấp cao. PGS.TS Trương Quang Thông cho rằng chúng ta thực sự không thiếu những người giỏi, nhưng khá nhiều ngân hàng đã và đang "đau đầu" với vấn đề này. Cái mà chúng ta cần quan tâm nhất là những vấn đề sở hữu chéo, vấn đề "sân sau" vẫn đâu đó "lảng vảng" trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Chúng ta nói đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng ít khi suy nghĩ liệu nó có liên quan hay không, hay liên quan như thế nào đến "tái cơ cấu" các doanh nghiệp có liên quan, các doanh nghiệp "sân sau" của các cổ đông ngân hàng, và từ đó, là vấn đề nhân sự cấp cao ngân hàng.
“Hãy cứ nhìn danh sách cổ đông của các ngân hàng cổ phần hiện nay, sẽ không khó lắm để có thể nhận diện những mối quan hệ dù là gián tiếp giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bên ngoài” PGS.TS Trương Quang Thông nói thêm.
Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” quy định rõ đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Thế nhưng hiện tại mới chỉ có 17/31 cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên cả ba sàn là HNX, HSX và UPCoM.
Mới đây, MSB vừa công bố đang trình hồ sơ để niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), sẵn sàng chào sàn vào quý 3/2019. Cổ đông SeABank cũng thông qua việc niêm yết toàn bộ số lượng cổ phiếu của SeABank trên HOSE trong giai đoạn 2019 – 2020 vào Đại hội vừa được tố chức. Còn ĐHCĐ NamABank cũng đã thông qua việc sớm niêm yết toàn bộ số cổ phiếu lên HOSE.
Như vậy, có thể thấy, mùa ĐHĐCĐ ngân hàng năm nay, nhiều vấn đề đang được đặt ra đối với các nhà băng. Không chỉ còn là vấn đề năm nay lời lỗ bao nhiêu, năm sau làm ăn thế nào, cổ tức được chia ra sao; mà nó còn đi sâu vào vấn đề vận hành như thế nào để có thể đáp ứng kịp lộ trình tái cơ cấu, minh bạch thông tin, tăng vốn điều lệ khỏe mạnh trong khi thời hạn niêm yết trong lộ trình đang đến gần.
Cát Lam