Vietstock - Luật là để dẫn dắt chứ không phải gây ách tắc
Nghị định số 168 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025 với hầu hết các mức phạt đều tăng cao đã và đang tác động mạnh vào hành vi, thói quen của người tham gia giao thông, dù chỉ mới áp dụng chưa tới nửa tháng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, kết quả mà nó mang lại trong một số trường hợp mang tính “đặc thù” như ở các đô thị lớn (thủ đô Hà Nội, TP.HCM), trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao, các khung “giờ vàng” lưu thông, hình thức lưu thông ưu tiên (như xe cứu thương)… đang gây ra những bất cập đáng kể. Dẫn tới hiện trạng giao thông ở TP.HCM trong những ngày qua kể từ khi áp dụng Nghị định 168 đã kẹt xe nghiêm trọng trên diện rộng.
Vậy, quá trình soạn thảo và lấy ý kiến của Nghị định này đã lường trước những “đặc thù” nói trên hay chưa? Vì sao để một văn bản pháp quy ra đời mà ngay sau đó, thay vì hiệu quả thì lại phát sinh hệ lụy và cơ quan chức năng - cụ thể là Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM trong 2 ngày qua đã phải tiến hành rà soát và lắp mũi tên màu xanh ở khu vực giao lộ để người dân được rẽ phải khi đèn đỏ, giải quyết phần nào nạn ùn ứ nghiêm trọng trên nhiều giao lộ, tuyến đường? Việc ban hành một quy định mà tính chất áp dụng lại “đồng phục” cho mọi loại đô thị trên 10 triệu dân cũng như 4-5 triệu dân đã là hợp lý? Bản thân các địa phương - cụ thể là Hà Nội và TP.HCM trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Nghị định, sao không chủ động đưa ra những đặc thù địa bàn như mật độ dân cư, hạ tầng đường sá hẹp, nhiều giao lộ… cộng với “lệ” đã có sẵn là “được phép quẹo phải khi đèn đỏ” để không áp dụng cấm rẽ phải khi đèn đỏ, dẫn tới ách tắc nghiêm trọng như hiện nay?
Ai cũng biết vào những ngày cuối năm, nếu không có cái nghị định “đánh thẳng vào túi tiền” kia thì TP.HCM, Hà Nội đều đã bị kẹt xe kéo dài thì sự ra đời của 168 đã không những không khắc phục được vấn nạn kia lại còn làm gia tăng thêm ùn ứ cục bộ, ùn ứ diện rộng. Hậu quả mang lại là lãng phí sức khỏe, thời gian; tăng lượng ô nhiễm không khí, tâm lý mệt mỏi, bức xúc của hầu hết người dân trong những ngày qua.
Bản thân động thái khắc phục là lắp bảng mũi tên xanh rẽ phải thì vẫn không thử cố gắng thêm một chút nữa là kẽ vạch dưới lòng đường khoảng không gian dành cho xe rẽ phải để người lưu thông hướng thẳng không đậu choáng phần đường này. Hiện, dù đã khơi thông được một phần bị tắc nghẽn nhưng hiện tượng người đậu lên phần đường dành cho rẽ phải vẫn còn; và vì sợ bị mất tiền nên nhiều người cứ… yên tâm dừng mà không biết mình đang là lực cản!
Một điều nữa không khỏi suy nghĩ, đúng là một khi luật phải gia tăng tính chế tài thì người bị điều chỉnh bởi quy định của luật mới biết sợ, ý thức chấp hành nhờ đó mà tăng lên. Song, với một mặt bằng mà đa phần người không giàu, người có mức đủ sống, người có thu nhập thấp đều sử dụng phương tiện xe máy, khi áp dụng mức phạt cao gấp nhiều lần so với mức thu nhập bình quân; trong khi hạ tầng giao thông hầu như chưa mở rộng khi luật xử phạt nặng có hiệu lực thì chắc hẳn sẽ dễ gây ra những dư luận cho rằng bất cận nhân tình.
Từ đó, dẫn tới một khía cạnh khác của cái đúng, cái cần thiết của nghị định này là có phần nặng tay, chưa công bằng với một bộ phận người lưu thông, thậm chí phát sinh một “mặt trái” khác của chính các điều khoản quy định.
Điển hình là tại khoản 9 điều 6 nghị định 168 quy định người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ có thể bị xử phạt 8 - 20 triệu đồng nhưng cũng tại điểm b khoản 6 điều 6 của nghị định này quy định người điều khiển ô tô không nhường đường có thể bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng. Theo đó, xe cứu thương là xe ưu tiên, được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông. Để nhường đường cho xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại. Luật không quy định các phương tiện tham gia giao thông khác phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên vì vậy, người lưu thông mắc kẹt “giữa hai làn đạn” là vậy.
Điều này dẫn tới thực tế diễn ra ở nhiều tuyến đường trong mấy ngày qua: xe cứu thương hú còi nhưng không xe nào dám vượt qua kẽ vạch để nhường đường. Họ thà chịu phạt 6-8 triệu đồng hơn là bị mất 8-20 triệu đồng?
Luật là để dẫn dắt, điều chỉnh, bảo vệ cho hành vi của con người, không phải để “đánh võng” công dân!
Quốc Học