Vietstock - Kiểm toán Nhà nước kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm, đa số vẫn 'phớt lờ'
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân nhưng chỉ có 44/107 báo cáo kiểm toán đã được các đơn vị thực hiện.
Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về công tác năm 2024 của cơ quan này tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XV cho thấy, tính đến hết tháng 8/2024, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 11.246 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách 383 tỷ đồng, giảm chi 2.987 tỷ đồng; kiến nghị khác 7.876 tỷ đồng.
Về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023, tính đến 30/8, KTNN cho hay số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 33.099,5/49.940 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,3%.
Tuy nhiên, mới có 12/198 văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ theo kiến nghị của KTNN.
Liên quan đến kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có 44/107 báo cáo kiểm toán kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã được đơn vị thực hiện (cùng kỳ năm 2023 có 33/183 báo cáo kiểm toán được đơn vị thực hiện).
Việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước còn thấp. |
Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, KTNN đã cung cấp 206 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát... Trong đó, có 148 báo cáo gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương; 58 tài liệu, báo cáo gửi cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và công an các địa phương.
Cơ quan này đã chuyển 1 hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra, làm rõ.
Thẩm tra sơ bộ báo cáo trên của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2023, việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác giảm cả về quy mô và tỷ trọng (số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện là 33.099,5/49.940 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,3% trong khi cùng kỳ năm 2023 thực hiện là 48.227/71.605 tỷ đồng, đạt 67,4%); thực hiện kiến nghị về xử lý văn bản rất thấp, chỉ đạt khoảng 6,06%.
Tương tự, thường trực Ủy ban Tư pháp cũng nhận thấy, hiệu quả kiến nghị xử lý tài chính của KTNN còn thấp; việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản chính sách theo kiến nghị của KTNN là rất thấp và số lượng hồ sơ chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ít.
Do đó, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đề nghị KTNN báo cáo bổ sung danh mục cụ thể các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN.
Ngoài ra, làm rõ công tác đôn đốc, tổ chức triển khai, nguyên nhân, trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị 8 tháng đầu năm 2024 còn thấp so với yêu cầu, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 141 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đối với lĩnh vực kiểm toán liên quan về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và việc làm rõ, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị tồn đọng nhiều năm cũng như kết quả khắc phục những tồn tại.
KTNN cần chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm thực hiện các kiến nghị tại báo cáo kiểm toán.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/5/2023, trong đó có quy định việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị KTNN báo cáo thêm việc thực hiện pháp lệnh thời gian qua tác động như thế nào đến việc thực hiện kiến nghị của KTNN, đồng thời làm rõ hơn nguyên nhân của việc thực hiện kiến nghị về xử lý văn bản đạt thấp.
Ngọc Hà