Vietstock - Đề án phát triển ngân hàng xanh: Sự điều chỉnh nhỏ mang lại ý nghĩa lớn
Những chỉnh sửa bổ sung liên quan đến tổ chức tín dụng và định hướng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh để phát triển dự án xanh là những chỉnh sửa bổ sung cần thiết và ý nghĩa.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định 1663/QĐ-NHNN ngày 06/08/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/08/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Quyết định vừa ban hành có những nội dung bổ sung, chỉnh sửa liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, đơn vị có liên quan. Trong đó, những chỉnh sửa bổ sung liên quan đến tổ chức tín dụng và định hướng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh để phát triển dự án xanh là những chỉnh sửa bổ sung cần thiết và ý nghĩa.
Theo đó, nội dung sửa đổi điểm c khoản 2 Mục I Điều 1 không thay đổi nhiều so với đề án cũ, song điều chỉnh nhỏ có tính câu chữ: Từ “các ngân hàng” thành “các tổ chức tín dụng” lại chứa đựng nội hàm mang tính toàn diện về mặt chính sách và định hướng chính sách.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM đánh giá, nội dung sửa đổi phản ánh một số ý nghĩa sau.
Yêu cầu phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại mà là nhiệm vụ của tất cả các tổ chức tín dụng, bao gồm cả các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính…) và các quỹ tín dụng nhân dân…. Định vị như vậy sẽ là cơ sở quan trọng để toàn ngành thực hiện tốt đề án, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển ngân hàng xanh, kinh tế xanh trong thời gian tới.
Điều chỉnh này có ý nghĩa toàn diện mang lại nhận thức đầy đủ trách nhiệm từ tất cả các tổ chức tín dụng về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Từ đó không chỉ nâng cao tinh thần chủ động trong phát triển hoạt động này mà còn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là thông tin tuyên truyền trong nội bộ của hệ thống từng tổ chức tín dụng, giúp cán bộ nhân viên tại đơn vị và toàn ngành nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của đề án, của hoạt động tín dụng xanh, từ đó không chỉ thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ này mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “xanh hóa ngân hàng” tại tổ chức tín dụng.
Điều chỉnh này có ý nghĩa toàn diện, định vị trách nhiệm và hành động thực thi. Theo đó, với chỉ tiêu định hướng như: 100% các tổ chức tín dụng đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp tín dụng; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Những mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, khi thực hiện tốt, sẽ là cơ sở nền tảng về nghiệp vụ, về quy trình mang tính quản lý, quản trị có ý nghĩa lớn trong phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Đây chính là cơ sở và điểm khởi đầu để thực hiện hoạt động tín dụng xanh, mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh của mỗi tổ chức tín dụng.
Phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là xu hướng phát triển tất yếu nhằm phù hợp với xu hướng thời đại khi các nền kinh tế, các doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều sẽ và phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất xanh; sản phẩm xanh…. Những điều chỉnh của ngành Ngân hàng là rất cần thiết, kịp thời và việc thực hiện Quyết định vừa ban hành về những sửa đổi, bổ sung cho Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam sẽ có ý nghĩa định hướng và chiến lược rất quan trọng cho giai đoạn tới của ngành, cần được các tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện.
Hàn Đông