Vietstock - Cần Thơ: Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các cơ sở lưu trú du lịch
Thời gian qua, cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn thành phố Cần Thơ chuyển biến ngày càng tích cực, nguồn thu nội địa phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, đóng vai trò quan trọng, tạo sự chủ động và tăng tính ổn định của ngân sách. Tuy nhiên, số liệu cơ quan thuế cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực vào ngân sách của các cơ sở kinh doanh chưa xứng tầm với nguồn lực và quy mô kinh doanh. Đặc biệt một số lĩnh vực như du lịch, ăn uống, lưu trú du lịch trên địa bàn trung tâm vẫn còn dư địa thu nhưng chưa được tận dụng hiệu quả.
Tình hình thu ngân sách đối với các cơ sở lưu trú du lịch
Số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ thời gian qua tăng đáng kể, từ 275 cơ sở với 7,188 phòng năm 2018 lên đến 636 cơ sở với 10,600 phòng vào năm 2023. Trong đó, số lượng khách sạn tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao hầu như ổn định và không tăng thêm trong cả giai đoạn. Năm 2020, ghi nhận sự tăng thêm đáng kể các cơ sở lưu trú (616 cơ sở với 10.500 phòng) so với 2 năm trước đó, chủ yếu là các nhà nghỉ, nhà khách, homestay, điểm vườn có lưu trú và các loại hình lưu trú có quy mô nhỏ lẻ.
Đến cuối năm 2023, ngành thuế quản lý 413 cơ sở lưu trú du lịch trên toàn địa bàn. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch phát sinh mới trong năm 2023 là 52 đơn vị. Số doanh nghiệp lưu trú đang hoạt động chiếm 1.7% trên tổng số 14,614 doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động. Trong đó, loại hình doanh nghiệp, tổ chức chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn (cuối năm 2023, tổng số doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch là 250 doanh nghiệp trên tổng số 413 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch, chiếm tỷ trọng 60%). Đa số cơ sở lưu trú du lịch tập trung tại các quận trung tâm hoặc gần các địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như quận Ninh Kiều (263 cơ sở), Thốt Nốt (34 cơ sở), Cái Răng (25 cơ sở). Theo đó, trong năm 2023, thành phố đón gần 6 triệu lượt khách, trong đó có gần 3 triệu lượt khách lưu trú, tăng 18.8% so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch đạt 5,420 tỷ đồng, tăng 13.6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, số liệu từ cơ quan thuế cho thấy, số thu từ các cơ sở lưu trú du lịch chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu thu ngân sách của thành phố qua các năm (chỉ chiếm khoảng 0.4-0.6% tổng thu ngân sách). Theo đó, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19 phản ánh rõ nét trong số thu nộp các cơ sở lưu trú du lịch trong giai đoạn 2018-2023. Số thu từ hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú du lịch là 48.9 tỷ đồng trong năm 2018 và đạt 61.3 tỷ đồng trong năm 2019.
Đến năm 2020, 2021, dịch COVID -19 tiếp tục diễn biến phức tạp và trở thành dịch bệnh toàn cầu, ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ dịch bệnh. Thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động lưu trú du lịch năm 2020 đạt 51 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ năm trước, số thu giảm sâu nhất trong năm 2021, chỉ đạt 32 tỷ đồng, bằng 62% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 52% so với cùng kỳ năm 2019 – giai đoạn trước dịch bệnh. Từ đầu năm 2022, nền kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng. Năm 2022 số thu từ cơ sở lưu trú du lịch đạt 44 tỷ đồng và tăng lên 61.7 tỷ đồng trong năm 2023, mức thu phục hồi tương đương giai đoạn trước dịch bệnh (2018-2019).
Một số tồn tại, hạn chế
Những hạn chế trong tăng trưởng nguồn thu ngân sách từ các cơ sở lưu trú du lịch trong thời gian qua xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Trước đây, Luật Du lịch năm 2005 quy định, tất cả cơ sở lưu trú du lịch phải thực hiện việc đăng ký để được xếp hạng trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2028 quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch tăng nhanh, nhưng vẫn còn một số cơ sở u chưa thông báo đến cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Trong khi đó, nhân lực cho công tác quản lý Nhà nước về du lịch còn ít nên công tác thống kê cơ sở lưu trú du lịch chưa kịp thời.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động lưu trú du lịch chưa có sự trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng với cơ quan thuế các cấp. Từ đó, chưa thể có sự rà soát, đối chiếu, hỗ trợ thông tin quản lý lẫn nhau , chưa có sự phối hợp trong công tác kiểm tra thực tế hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch.
Mặt khác, công tác quản lý của cơ quan thuế đối với dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố còn gặp không ít khó khăn. Theo đó, một số cơ sở lưu trú du lịch không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số lượng khách lưu trú với cơ quan chức năng dẫn đến kê khai doanh thu, thuế thấp hơn thực tế kinh doanh. Đặc biệt, hầu như các cơ sở lưu trú du lịch không thực hiện đăng ký, niêm yết giá với cơ quan chuyên môn về quản lý giá. Theo số liệu của Sở Tài chính thành phố Cần Thơ quản lý, chỉ có một vài khách sạn có thực hiện đăng ký, thông báo giá niêm yết với Sở.
Một nguyên nhân nữa, ý thức chấp hành pháp luật về thuế, kế toán của một bộ phận cơ sở lưu trú du lịch chưa nghiêm, tình trạng bán hàng, cung ứng dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn thấp hơn giá thu thực tế, phổ biến nhất là bán hàng, cung cấp dịch vụ của cá nhân.
Một số giải pháp
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, góp phần tăng thu cho ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phát triển lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu và đề nghị các Sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thuế thành phố triển khai hiệu quả, đồng bộ một số giải pháp sau:
Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiếp nhận thông báo bằng văn bản của các cơ sở lưu trú du lịch trước khi đi vào hoạt động hoặc có sự thay đổi về tên, loại hình, quy mô, địa chỉ thông tin về người đại diện theo pháp luật, cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch, thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở mới đi vào hoạt động trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn, nhắc nhỏ các cơ sở lưu trú du lịch thực hiện báo cáo thống kê du lịch trên phần mềm theo quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với Cục Thuế thành phố. Trên cơ sở rà soát, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS (HM:TMS)) với cơ sở dữ liệu liên thông đăng ký kinh doanh từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố; Phòng Tài chính kế hoạch quận, huyện; dữ liệu về giá đăng ký buồng phòng của Sở Tài chính, dữ liệu về tình trạng hoạt động, điều kiện hành nghề lưu trú do các cơ quan chuyên môn cung cấp, thường xuyên kiểm tra giám sát đối với thông tin về lưu trú du lịch bao gồm doanh thu, số lượng khách (số lượt, số ngày khác), công suất sử dụng phòng, ngày lưu trú bình quân, giá dịch vụ đăng ký do từng cơ sở lưu trú du lịch kê khai, tính thuế với số liệu do các cơ quan như Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp.
Bên cạnh các cơ quan Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố đảm bảo các điều kiện kinh doanh, hoạt động liên quan theo quy định của pháp luật về đầu tư, du lịch, quản lý cư trú, lưu trú và đặc biệt là pháp luật về thuế. Cập nhật đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào Hệ thống quản lý lưu trú đã được cấp trước khi cho khách vào phòng nghỉ. Thực hiện việc kê khai giá buồng, phòng; xây dựng giá bán thực hiện ngay từ đầu năm hoặc đầu kỳ kinh doanh đúng quy định. Đồng thời, cơ sở kinh doanh lưu trú phải trang bị máy tính có kết nối internet để thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến. Khi cung cấp dịch vụ lưu trú và các dịch vụ liên quan đến bán hàng hóa, cơ sở lưu trú có trách nhiệm sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Đinh Tấn Phong