Vietstock - Luật sư đưa 10 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Phạm Nhật Vũ
Bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, các luật sư nêu 10 tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo này có đủ điều kiện được hưởng để đề nghị giảm trách nhiệm hình sự và hình phạt.
* Đề nghị phạt ông Phạm Nhật Vũ 3-4 năm tù về tội đưa hối lộ
* Vợ ông Phạm Nhật Vũ: Chồng tôi không trốn ra nước ngoài dù có cơ hội
* Bị cáo Phạm Nhật Vũ: Đưa tiền để cảm ơn những người quyết định việc mua bán
Các bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG. Ảnh: Sơn Vũ |
Cuối giờ sáng nay, 23.12, phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án liên quan MobiFone mua 95% cổ phần AVG tiếp tục với phần bào chữa của bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG, cũng là phần bào chữa của bị cáo cuối cùng trong vụ án.
Trước tòa, HĐXX cho biết, bị cáo Phạm Nhật Vũ do sức khỏe yếu nên phải nằm viện, có xác nhận của bệnh viện và có đơn xin vắng mặt trong phần bào chữa.
Tại phiên tòa này, bị cáo Phạm Nhật Vũ bị xét xử về tội đưa hối lộ. Bị cáo Vũ bị cáo buộc sau khi hoàn thành thương vụ bán cổ phần AVG cho MobiFone đã hối lộ ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD và Trương Minh Tuấn 200.000 USD.
Do được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên bị cáo Vũ được Viện KSND đề nghị mức án dưới khung, từ 3 - 4 năm tù.
Luật sư Trần Hoàng Anh, 1 trong 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, cho biết đến nay ông Phạm Nhật Vũ không có ý kiến về tội danh bị truy tố, mà chỉ đề nghị HĐXX xem xét chứng cứ khách quan thể hiện khởi đầu ông Phạm Nhật Vũ mong muốn và xin phép bán AVG cho đối tác nước ngoài, và sau đó do yêu cầu về mặt quản lý nhà nước và nhu cầu kinh doanh, MobiFone đã chủ động đề xuất, đàm phán với ông Phạm Nhật Vũ để mua cổ phần của AVG.
“Đến nay cũng không có chứng cứ nào thể hiện hai bên có sự hứa hẹn, thỏa thuận về việc biếu tiền hay quà gì. Thực tế, thời điểm biếu tiền là sau khi việc mua bán đã xong, khoảng 2 tháng và vào dịp tết, nên thân chủ chúng tôi chủ quan, theo văn hoá Việt Nam thường biếu quà thể hiện tình cảm, tri ân mà không ý thức được hết việc biếu tiền này bị xem xét là hối lộ”, luật sư Hoàng Anh nói.
Đáng chú ý, luật sư Hoàng Anh đưa ra nhiều chứng cứ lập luận để cho rằng bị cáo Phạm Nhật Vũ có vai trò rất lớn trong việc khắc phục thiệt hại trong vụ án.
Cụ thể, khi vụ án AVG chưa bị phanh phui, chưa cơ quan nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì thì ông đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm để đến nay còn mang nợ khoảng 1.000 tỉ đồng, chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần.
Luật sư nêu các chứng cứ cụ thể khác như bị cáo Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán, với số tiền lên đến hơn 329 tỉ đồng.
Đặc biệt, khi biết trong kho của MobiFone còn tồn đọng khoảng 120 tỉ đồng tiền thiết bị, vật tư tồn kho mà MobiFone đã đầu tư mua sắm sau khi đã nhận chuyển nhượng, ông Phạm Nhật Vũ đã hỗ trợ mua lại hết số thiết bị, vật tư này của MobiFone, đảm bảo không xảy ra bất cứ tác hại nào, dù nhỏ nhất, cho nhà nước.
“Các chứng cứ trên đã chứng minh bản chất thân chủ chúng tôi không hề có chủ đích, không sắp đặt, không trù tính, mong muốn làm thất thoát tài sản nhà nước và đã nhất tâm, trách nhiệm, ăn năn hối cải khi chấp nhận khó khăn về mình, kể cả vay nợ để khắc phục triệt để mọi thiệt hại, tác hại có thể xảy ra cho nhà nước”, luật sư Hoàng Anh nói.
Trong phần bào chữa, các luật sư Trần Hoàng Anh và Nguyễn Thị Hằng Nga dành nhiều thời gian nêu 10 tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo Vũ đủ điều kiện, quyền được hưởng, để đề nghị HĐXX xem xét giảm trách nhiệm hình phạt, thậm chí đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, các luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo MobiFone, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ này - bị cáo Phạm Đình Trọng.
Cụ thể, bị cáo Vũ được hưởng tình tiết giảm nhẹ như tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả; ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm khi trả thêm cho MobiFone các chi phí phát sinh; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, phạm tội lần đầu; tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án và lập công chuộc tội.
Đáng chú ý, luật sư đề nghị HĐXX xem xét bị cáo Vũ được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi là người thường xuyên làm các công việc thiện nguyện trợ giúp xã hội.
Luật sư cho biết, ông Vũ đã có hơn 20 năm thực hiện hàng ngàn các hoạt động thiện nguyện tài trợ cho các dự án, chương trình an sinh xã hội, từ y tế, giáo dục, hạ tầng điện đường trường trạm, trợ giúp khắc phục hậu quả thiên tai, tri ân anh hùng liệt sĩ, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, nạn nhân bom mìn, chất độc da cam, xoá đói giảm nghèo,… với số tiền là hàng ngàn tỉ đồng, trong đó, số tiền đã có xác nhận chính thức là hơn 1.300 tỉ đồng.
Ngoài ra, luật sư còn đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Vũ được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi có đóng góp gìn giữ lợi ích an ninh, công tác đối ngoại của đất nước.
Theo luật sư, trong quá trình hoạt động kinh doanh, ông Phạm Nhật Vũ còn là cầu nối đoàn kết, hữu nghị của bà con Việt kiều và Chính phủ các nước với Việt Nam. Chính vì thế, khi xảy ra vụ án, Đại sứ quán Liên bang Nga, cựu Tổng thống đầu tiên của Nước cộng hoà Kalmykia thuộc Liên bang Nga, cũng như rất nhiều các tổ chức, cá nhân tiêu biểu của nước ngoài, đã ghi nhận và có đơn xin khoan hồng cho ông Vũ.
Theo luật sư, tính đến hết ngày 31.10.2019, đã có 1.731 cá nhân ký tên (rất nhiều cá nhân có uy tín cả trong và ngoài nước), hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ.
Anh Vũ