Vietstock - Anh chính thức gia nhập CPTPP, mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam có lợi?
Ngày 15/12, Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên thứ 12 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận sâu hơn thị trường có quy mô lên đến 900 tỷ bảng Anh.
Nhiều cam kết dành cho Việt Nam hơn các nước khác
Theo Bộ Công Thương, trong nội dung Hiệp định CPTPP, Anh cam kết mở cửa đối với 6 lĩnh vực, trong đó có: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, mua sắm của chính phủ, dịch vụ tài chính. Đây cũng là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Anh ký kết kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2020; tạo thêm thị trường xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu hằng năm lên đến 900 tỷ bảng Anh.
Đặc biệt, trong quá trình đàm phán giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về việc gia nhập hiệp định, nước này đã cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của hiệp định, cao hơn cho Việt Nam so với cam kết cho các nước thành viên khác và cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Cụ thể, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (trong khi các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Do đó, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.
Với gạo, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước thuộc CPTPP khác.
Xuất khẩu gạo sang Anh sẽ được tăng dần hạn ngạch, với mức thuế ưu đãi 0%.
|
Với mặt hàng thủy sản, hiện thuế nhập ưu đãi của các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam vào Anh hầu hết về 0%. Tuy nhiên, còn một vài mã sản phẩm như tôm chế biến HS 160521 và 160529 vẫn đang bị mức thuế 7%. Hai dòng sản phẩm này của Việt Nam đều đang chiếm vị trí số 1 tại Anh, chi phối 36% thị phần, nhưng dư địa sẽ lớn hơn khi tôm Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan từ việc Anh gia nhập CPTPP. Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu cá ngừ ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế.
Đáng chú ý, Anh đã ký thư gửi Việt Nam xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường... Điều này, tạo thuận lợi cho nước ta trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.
Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng năm nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Anh đạt gần 7 tỷ USD; nước này cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất. Ảnh minh họa. |
Một số mặt hàng như thủy sản đạt khoảng 290 triệu USD, hạt điều 93 triệu USD, cà phê hơn 120 triệu USD, túi xách, va li hơn 110 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ hơn 200 triệu USD, hàng dệt may đạt gần 700 triệu USD, giày dép các loại đạt hơn 900 triệu USD, đặc biệt điện thoại và các linh kiện đạt khoảng 1,1 tỷ USD, máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1,2 tỷ USD,…
Dù vậy, trên thực tế, Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, để tận dụng cơ hội trong CPTPP, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn lưu hành nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.
Dương Hưng