Vietstock - Cổ phiếu và ngành nào sẽ là tâm điểm của năm 2019?
Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán năm 2019, các chuyên gia đều cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay nói rộng ra là mâu thuẫn kinh tế của hai nước này, và chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực trong năm. Trong bối cảnh này đâu sẽ là ngành và cổ phiếu mà nhà đầu tư cần chú ý?
2019 tiếp tục là một năm khó lường
Trao đổi góc nhìn về thị trường chứng khoán năm 2019, ông Dương Thế Quang – Tổng Giám đốc của CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) khẳng định chắc chắn đây sẽ tiếp tục là một năm diễn biến khó lường, bởi có nhiều yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng đến thị trường.
Thứ nhất, mâu thuẫn kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phức tạp, có thể không chỉ dừng lại trên mặt thương mại mà còn chuyển sang các mặt trận khác như công nghệ, vốn, tiền tệ... Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, tình hình giao thương và tỷ giá. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao và mức độ giao thương với hai thị trường này lớn nên sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều.
Thứ hai, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam ghi nhận rất ấn tượng, khoảng 7%, tuy nhiên, cơ cấu đóng góp vào tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) và một vài doanh nghiệp lớn, cho thấy sự thiếu cân đối. Trong tình huống diễn biến kinh tế thế giới không thuận lợi, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Thứ ba, quản lý tỷ giá và lạm phát vẫn là vấn đề rất khó trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay. Các yếu tố bên ngoài như việc phá giá tiền tệ của nhiều quốc gia, hay như lãi suất có xu hướng tăng mạnh của Mỹ và đồng USD mạnh lên sẽ tiếp tục tác động đến tỷ giá của đồng Việt Nam. Mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao trong các năm gần đây nhưng cũng chỉ mới đạt tiêu chuẩn tối thiểu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do đó, việc can thiệp vào thị trường cũng sẽ ở mức hạn chế.
Theo đó, ông Quang đưa ra dự báo VN-Index sẽ chạm mức cao nhất là 1,050 điểm trong năm 2019.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Kinh doanh của CTCK VNDirect (VND) nhận định, thị trường chứng khoán năm 2019 sẽ tiếp tục chịu đe dọa từ các diễn biến của năm 2018, đó là chính sách thắt chặt tiền tệ từ Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (mặc dù có đình chiến tạm thời 3 tháng). Ngoài ra, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc cũng gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu vì tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc hiện đang lớn thứ 2 thế giới và những khối nợ ngầm của họ vẫn chưa được giải quyết trong nhiều năm qua.
Ông Tuấn cho rằng ở góc độ tổng thể, khi việc thắt chặt tiền tệ từ Fed và giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây do thừa cung cũng như triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm sẽ tác động tổng thể tới nền kinh tế Việt Nam. Vì độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam chú trọng xuất khẩu và các mặt hàng cũng bị cạnh tranh khốc liệt từ các nước tương đồng và có chi phí lao động rẻ hơn.
“Nhìn chung, áp lực cho thị trường chứng khoán 2019 vẫn duy trì, tuy nhiên, mức độ có thể nhẹ hơn 2018 do sự chiết khấu vào giá hiện tại của thị trường”, ông Tuấn nhấn mạnh. Còn về mặt kỹ thuật, ông Tuấn đưa ra khả năng VN-Index sẽ dao động trong vùng 800 điểm và hồi phục quanh vùng 1,000 điểm trong năm 2019.
Đâu là nhóm ngành cần chú ý?
Nhìn nhận về diễn biến thị trường như trên, ông Quang nhận định trong giai đoạn nửa đầu năm 2019, ngành hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, sự dịch chuyển dòng vốn FDI ra khỏi Trung Quốc đáng chú ý nhất là ngành hạ tầng khu công nghiệp, ngành này sẽ tiếp tục là điểm sáng. Qua giai đoạn giữa cuối năm 2019 sẽ là những ngành hưởng lợi từ sự thay đổi của Luật Chứng khoán mới và xu hướng thị trường chứng khoán được nâng hạng, trong đó, ông Quang cho rằng nên chú ý tới nhóm ngành ngân hàng, dược phẩm và viễn thông.
Ở chiều ngược lại, ông Quang dự báo các ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, sự giảm tốc của kinh tế hay việc tăng lãi suất có thể sẽ tác động mạnh tới nhiều nhóm ngành, đặc biệt là bất động sản.
Chia sẻ quan điểm, ông Tuấn cho biết khi bước vào bear market (thị trường gấu) thì thường các ngành beta cao sẽ điều chỉnh rất mạnh, điển hình như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán. Một điểm nữa là các ngành này sẽ không còn hấp dẫn khẩu vị của giới đầu tư và quỹ ngoại nữa mà thay vào đó, họ sẽ đón đầu các ngành có đặc tính phòng thủ nhiều hơn, cổ tức tiền mặt đều đặn và nhu cầu ít bị suy giảm bởi suy giảm kinh tế chung. Ông Tuấn liệt kê ra một loạt các ngành như tiện ích điện và nước, ngành dịch vụ công cộng, y tế, giáo dục. “Trong các ngành này, tính phân hóa cũng rất cao theo khía cạnh cạnh tranh của từng công ty, vì vậy, khó có thể nói ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường mà sẽ là cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm của thị trường”, ông Tuấn nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng kỳ vọng vào các thương vụ thoái vốn chuyển giao kiểm soát từ Nhà nước hay nói cách khác là tư nhân hóa hoàn toàn, như VCG vừa qua, sẽ hút được dòng tiền chất lượng từ các cá mập chính hiệu đang rình mò rất rõ ràng. Và ông Tuấn lưu ý thêm rằng, với kiểu thoái vốn chuyển giao như thế này, thường nhà đầu tư chiến lược sẽ trả một mức giá cao hơn giá chào bán ban đầu, gọi là premium (phí chi ra để kiểm soát công ty).
Chí Kiên