Vietstock - Ồ ạt chào sàn, song cổ phiếu họ Vinatex vẫn “ế”!
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) lần lượt đẩy các công ty con chào sàn, song bức tranh giao dịch chung ở hầu hết các đơn vị này đều gói gọn trong hai chữ “ảm đạm”. Nguyên nhân từ đâu?
Chào đón “sóng” Vinatex
Về con sóng chào sàn tại Vinatex, mở đầu là sự xuất hiện của tân binh Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) vào đầu tháng 3/2016 với vốn điều lệ đạt 441 tỷ đồng. Tháng 1/2017, Vinatex cũng chính thức giao dịch trên UPCoM với vốn đạt đến 5,000 tỷ đồng. Liên tiếp sau đó, Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP (HOSE: TVT) niêm yết trên HOSE với tổng vốn đạt 210 tỷ, Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) giao dịch vào giữa tháng 6/2017 với tổng vốn 150 tỷ và mới đây nhất là Tổng CTCP Phong Phú (UPCoM: PPH) cũng vừa ra mắt vào tháng 8 với vốn điều lệ hơn 773 tỷ đồng.
Nếu so sánh về quy mô với những đàn anh đàn chị trong ngành dệt may đang niêm yết, VGG, HTG, TVT và PPH không mấy kém cạnh khi vốn điều lệ ở mức độ tương đối cao. Chưa kể 4 đơn vị trên đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong danh sách 90 công ty con và liên kết của Vinatex, nắm giữ những thế mạnh riêng trong chuỗi cung ứng may mặc. Cụ thể, nếu VGG mang thương hiệu lâu năm về thời trang may mặc, thì TVT được biết đến là công ty dệt có thâm niên, cùng với đó PPH hiện nắm giữ thế mạnh về các sản phẩm như khăn bông, chỉ sợi và vải denim.
Tháng 8/2016, V.I.D Group đã có văn bản gửi Vinatex về việc chuyển nhượng cổ phần. Đồng thời, Vinatex cũng đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để chấp thuận cho V.I.D Group chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trước thời hạn. Đến ngày 10/03/2017, thương vụ thoái vốn này được ĐHĐCĐ Vinatex chính thức thông qua. Với mức giá cổ phiếu Vinatex tại chính ngày thoái vốn là 12,000 đồng, V.I.D theo đó ghi nhận khoản lời 70 tỷ đồng sau gần 3 năm đầu tư vào Vinatex. |
Ngoài ra, một điểm thu hút đối với doanh nghiệp dệt may có cổ phần Nhà nước phải kể đến đó là quỹ đất. Riêng Vinatex, Tập đoàn đang được giao quản lý và sử dụng quỹ đất 490,000 m2, trong đó hơn 16% tỷ trọng tập trung tại thủ đô Hà Nội, tương đương 81,875 m2; tại TPHCM hơn 3,742 m2 và con số tại thành phố Đà Nẵng là 26,955 m2. Ngoài ra, hơn 378,428 m2 còn lại rải rác tại các tỉnh thành trên cả nước như Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ngãi… Cũng với quỹ đất dồi dào kể trên, đợt IPO của Tập đoàn hồi tháng 9/2014 rầm rộ với sự tham gia vào phút chót của 2 đại gia ngoài ngành Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) và CTCP Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (V.I.D Group). Lúc bấy giờ, hoạt động kinh doanh của Vinatex không mấy thuận lợi, biên lợi nhuận thấp, chính điều này đã dậy sóng dư luận điều gì đã khiến cổ phiếu Vinatex trở nên thu hút V.I.D Group?
Thanh khoản thấp, giá cổ phiếu trên đà đi xuống
Mặc dù có lợi thế về quy mô cũng như chuỗi cung ứng là vậy, song Vinatex cùng 4 đơn vị VGG, HTG, PPH và TVT đều chịu chung cảnh thanh khoản thấp với cơ cấu cổ đông cô đặc. Tính đến ngày 30/06/2017, sau đợt rút quân của V.I.D, cơ cấu cổ đông của VGT hiện có 53.49% vốn trong tay Nhà nước, còn lại là cổ đông khác. Riêng Vingroup (VIC) vẫn còn nắm giữ 10% vốn VGT.
Với VGG, thời điểm lên sàn năm 2016, hơn 72% vốn VGG thuộc về 3 cổ đông lớn là Vinatex (47.88%), South Island Gament SDN BHD (14.16%) và Tungshing Sewing Machine Co., Ltd (9.94%). Hiện tại, sau các đợt tăng vốn, vốn điều lệ VGG đạt 441 tỷ đồng, Vinatex chỉ còn nắm tỷ lệ 31.92%. Mặc dù tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi (free float) tăng lên, thanh khoản VGG cũng không mấy cải thiện.
Tại PPH, các cổ đông lớn đang nắm 69.8% cổ phần doanh nghiệp này, riêng Vinatex là 51%. Hay như HTG, Vinatex hiện nắm giữ đến 64.96% vốn, con số này tại TVT cũng xấp xỉ 47%.
Với tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi khá thấp như đề cập, tính hấp dẫn của cổ phiếu trong mắt nhà đầu tư theo đó cũng hạn hẹp. Thanh khoản èo uột là điều khó tránh khỏi, điển hình trường hợp PPH, 73.35 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM từ ngày 23/08/2017 với giá chào sàn 25,000 đồng/cp. Chưa đầy 1 tháng giao dịch, giá PPH nhanh chóng giảm 18% xuống còn 17,200 đồng/cp (20/09), khối lượng giao dịch chỉ xấp xỉ 40,000 cổ phiếu/phiên.
HTG sau 3 tháng chào sàn, giá cũng giảm hơn 28% về mức 16,700 đồng/cp (20/09), khối lượng giao dịch trung bình chỉ đạt 10,000 cổ phiếu/phiên. 28% cũng là tỷ lệ đổ đèo của giá cổ phiếu TVT sau 2 tháng lên HOSE, thanh khoản cũng khá thấp với con số giao dịch trung bình chỉ hơn 10,000 cổ phiếu/phiên.
Mặc dù có mức bay hơi thị giá tương đối thấp, khoảng 6% kể từ đầu năm đến nay, song khối lượng sang tay VGG cũng không mấy khả quan hơn, trung bình mỗi phiên chưa đạt đến 20,000 cổ phiếu.
Riêng Vinatex, quy mô vốn lớn nhất, trong khi đó giá trị cổ phiếu trên thị trường chỉ chạm mức 11,400 đồng/cp, còn ghi nhận giảm đến 28% so với mức giá 15,800 đồng/cp phiên đầu năm (03/01), lượng giao dịch trung bình đâu đó khoảng 40,000 cổ phiếu/phiên.
Giao dịch cổ phiếu Vinatex, VGG, HTG, TVT và PPH thời gian qua
|
Thị trường chung còn lắm chật vật
Bên cạnh tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi thấp, một lý do khác khiến cổ phiếu họ Vinatex bị “ế” có thể kể đến là yếu tố thị trường dệt may nói chung. Nếu đầu năm 2016, với kỳ vọng từ TPP khiến cổ phiếu dệt may theo đó nhận được nhiều sự quan tâm từ phía nhà đầu tư. Song, đến khi TPP chính thức bị bác bỏ bởi Tân tổng thống Mỹ Donald Trump, con sóng mang tên TPP nguội dần và đến nay gần như không còn.
Mặt khác, bất cập lớn nhất đến nay của ngành dệt may là nguyên vật liệu, khoảng 70% vải phục vụ may mặc trên thị trường đang nhập khẩu, tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương cho ngành. Không những vậy, xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều giảm do sự cạnh tranh gay gắt của các công ty nước ngoài và yêu cầu về các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao hơn của thị trường quốc tế. Chính điều này vô hình chung tạo nên một “gông” kiềm hãm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may.
Điển hình có TVT, không chỉ hụt hơi trong hoạt động xuất khẩu, TVT còn đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu khi mà hiện Công ty đang sử dụng đến 99% nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm đến 70% tỷ trọng giá vốn. Theo đó nửa đầu năm 2017 lợi nhuận Công ty giảm hơn 10 tỷ về mức 45.5 tỷ đồng.
Kinh doanh sa sút cũng là câu chuyện tại PPH, 6 tháng đầu năm doanh thu giảm về mức 1,392 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh cùng lợi nhuận công ty liên kết sụt giảm, kết quả là lợi nhuận sau thuế PPH chỉ còn 137 tỷ đồng, giảm hơn 38% cùng kỳ.
Tại Vinatex, 6 tháng đầu năm lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh ghi nhận sụt giảm, song nhờ tiết giảm chi phí đã đem về khoản lãi ròng 178 tỷ đồng cho Tập đoàn, tương đương thực hiện 56% chỉ tiêu năm 2017.
Được biết, mới đây Vinatex đã có văn bản gửi Thủ tướng ý kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may trong tiếp cận, giải ngân vốn vay; giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước; chính sách thuế hỗ trợ… kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển mới cho toàn ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng.