Vietstock - Mỹ-Trung "choảng nhau", Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất
Sau hơn 1 năm kể từ lúc Mỹ khởi đầu trận chiến thương mại với Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế từ ngân hàng đầu tư Nomura tại Nhật Bản phát hiện ra bằng chứng cho thấy Mỹ và Trung Quốc đã giảm bớt nhập khẩu một số hàng hóa nhất định từ đối phương nhằm tránh hàng rào thuế quan.
Thay vào đó, các nhà nhập khẩu ở hai quốc gia đã tìm kiếm nguồn cung ứng từ một nơi khác không bị áp hàng rào thuế quan, các chuyên gia kinh tế cho biết trong báo cáo. Cho tới nay, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại, Nomura ước tính phần xuất khẩu bổ sung tới Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam chiếm tới 7.9% GDP.
“Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc nâng thuế lên hàng hóa lẫn nhau, chi phí nhập khẩu hàng hóa từ đối phương cũng tăng lên”, các chuyên gia kinh tế tại Nomura viết trong báo cáo công bố ngày 03/06/2019.
“Một số nhà xuất khẩu ở Mỹ và Trung Quốc có lẽ sẵn lòng hấp thụ phần chi phí tăng thêm vì thuế quan trong biên lợi nhuận của họ và một số công ty đa quốc gia sẽ chọn chuyển hoạt động sản xuất sang nơi khác, nhưng phân tích thương mại mới đây cho thấy theo thời gian, phản ứng lớn nhất từ thương chiến Mỹ-Trung có thể là sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại”, ông nói.
Cho tới nay, Mỹ đã áp thêm thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa chưa bị áp thuế từ Trung Quốc. Đáp trả lại, Bắc Kinh cũng nâng thuế đối hàng tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Chịu áp lực chi phí từ cuộc chiến thuế quan, Mỹ và Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng hóa từ đối phương, nhất là những sản phẩm chịu thuế cao, Nomura cho biết. Bên cạnh Việt Nam, những quốc gia hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung là Đài Loan, Chile, Malaysia và Argentina.
Trong đó, Việt Nam và Đài Loan hưởng lợi nhiều nhất từ việc xuất khẩu thêm tới Mỹ, còn Chile, Malaysia và Argentina hưởng lợi từ việc bán thêm hàng hóa cho Trung Quốc, theo Nomura.
Vũ Hạo (Theo CNBC)