Vietstock - 5 năm giá nhà, vật giá leo thang, mức thu nhập chịu thuế vẫn đứng yên
Sự bất hợp lý không chỉ nằm ở vấn đề giá cả leo thang (tiêu biểu nhất thể hiện ở chỉ số giá cả CPI) nhưng mức giảm trừ gia cảnh không tăng, mà cả mức thu nhập chịu thuế cũng “đứng tên” nhiều năm chưa được điều chỉnh.
Giá căn hộ tại TP.HCM (HM:HCM) tăng bình quân trên 50% từ 2015-2019. Ảnh: PK |
Giá nhà tăng trên 50%...
Công ty DKRA Việt Nam mới đây đã công bố diễn biến giá căn hộ tại thị trường TPHCM trong giai đoạn từ năm 2015-2019. Theo đó, giá cả các loại căn hộ từ cao cấp (hạng A) đến trung cấp (hạng B), bình dân (hạng C) đều biến động tăng mạnh bình quân ở mức trên 50%.
Cụ thể, vào năm 2015, giá bán bình quân căn hộ hạng A khoảng 40 triệu đồng/m2 nhưng vào các năm 2016-2017 tăng lên từ 45-55 triệu đồng/m2, tức tăng bình quân 12,5% mỗi năm.
Mức giá bình quân của căn hộ hạng A tiếp tục tăng lên khoảng 57 triệu đồng/m2 vào năm 2018, nhích lên chỉ khoảng 4% so với năm trước đó với nguyên nhân được cho là do lượng căn hộ hàng hóa bung ra khá lớn. Tuy nhiên đến năm 2019, nguồn cung dự án căn hộ cao cấp mới giảm mạnh khiến giá cả tiếp tục nhích lên. Theo DKRA Việt Nam, tính đến tháng 8.2019, diễn biến giá căn hộ hạng A tăng 7% so với năm 2018, đạt mức giá khoảng 61 triệu đồng/m2 và có dấu hiệu sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm vì nguồn cung vẫn tiếp tục giảm mạnh.
Với loại căn hộ hạng B, giá bình quân từ 21 triệu đồng/m2 năm 2015 đã tăng lên 32 triệu đồng/m2 tính đến thời điểm tháng 8.2019. Trong khi đó, căn hộ chung cư hạng C có mức giá bình quân 16 triệu đồng/m2 năm 2015 đã tăng lên mức 24 triệu đồng/m2 vào thời điểm cuối tháng 8.2019, tương ứng với mức tăng khoảng 50% trong hơn bốn năm qua. Riêng trong khoảng thời gian 12 tháng qua, giá bình quân căn hộ hạng C được ghi nhận tăng đến 9%.
… nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng
Theo quy định thuế thu nhập cá nhân hiện hành, đối tượng có thu nhập từ tiền lương tiền công có mức thu nhập chịu thuế từ 9 triệu đồng trở lên, với suất giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người. Trong khi đó, đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân được xếp vào diện cá nhân kinh doanh, phải chịu thuế từ mức thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên và không được giảm trừ gia cảnh cũng như các chi phí hợp lý phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.
Theo thống kê tính từ thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ ngày 1.7.2013 tới tháng 7.2019, tổng mức tăng CPI cộng dồn là 20,39%. Theo quy định, khi CPI tăng trên 20% thì cần xem xét lại để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Giá nhà ở và vật giá leo thang nhưng mức thu nhập chịu thuế 6 năm qua vẫn đứng yên. Ảnh:PK |
Tuy nhiên, con số 20,39% mới chỉ là cộng dồn, chứ nếu tính cả phần tăng lũy tiến của những năm về sau thì chỉ số CPI tại thời điểm tháng 7.2019 so với thời điểm ngày 1.7.2013 sẽ cao hơn mức tăng 20,39%. Thế nhưng, mức thu nhập chịu thuế trong hơn 6 năm qua chưa được điều chỉnh (9 triệu đồng/tháng đối với người có thu nhập từ tiền lương tiền công và 100 triệu đồng/năm đối với cá nhân kinh doanh).
Cần biết rằng, nhóm rổ hàng hóa nhà ở và vật liệu xây dựng với quyền số (tỉ trọng trong tổng chi tiêu dùng) chiếm 9,99%, chỉ đứng sau nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (gồm cả lương thực, thực phẩm). Vậy khi giá nhà ở tăng trên 50% trong 5 năm qua chắc chắn khiến cho thu nhập thực tế của người dân “teo tóp” đi khá nhiều vì chi phí nhà ở tăng theo tương ứng. Cũng theo đó, thu nhập tích lũy được (nếu có) sẽ nhỏ lại vì các chi phí tăng trong khi mức thu nhập chịu thuế không thay đổi tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Thế Lâm