Vietstock - 100.000 tỷ đồng có khởi sắc công nghiệp ô tô?
Bộ Công Thương đang thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp ô tô để trình Chính phủ vào cuối năm nay. Cách đây không lâu, bộ này cũng xin lập gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong khi các chuyên gia và DN cho rằng, kế hoạch này chỉ làm ngân sách tốn thêm tiền mà không giải quyết được gì.
Loay hoay với sản xuất nhỏ lẻ
Theo đề án của Bộ Công Thương, sau hàng chục năm, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao chủ yếu do doanh nghiệp (DN) FDI cung cấp.
Cụ thể, trong ngành cơ khí, việc đầu tư của các DN đa số là gia công các công đoạn cơ khí đơn giản (dập, cắt, hàn, sơn…) rất ít DN thực hiện các công đoạn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như đúc, xử lý nhiệt, gia công bề mặt. Với lĩnh vực điện tử, DN mới đáp ứng được các chi tiết nhựa và bao bì.
CNHT của Việt Nam chỉ dừng lại ở sản xuất nhỏ lẻ Ảnh: Như Ý |
Theo Bộ Công Thương, để giải bài toán CNHT, sẽ hình thành gói ưu đãi khoảng 100.000 tỷ đồng dành cho phát triển DN CNHT. Gói này góp phần thực hiện mục tiêu đưa ra, đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu và tiêu dùng nội địa...
Cụ thể, giải pháp của Bộ Công Thương đưa ra là: Hướng tới xây dựng chính sách thúc đẩy thị trường cho ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ôtô, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư; Bố trí vốn đầu tư xây dựng 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp; Hỗ trợ tín dụng, xử lý môi trường, tháo gỡ vướng mắc thuế...
“Với giải pháp tài chính, đề xuất hình thành gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng với cơ chế tương tự như gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển, trong đó, ưu tiên cho CNHT”, Bộ Công Thương đề xuất.
Để thuyết phục Chính phủ, Bộ Công Thương cho hay, đến nay có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan ô tô. Trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô… Tuy nhiên, số lượng trên thấp hơn rất nhiều so với 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô.
CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng ở mức độ đơn giản, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp như chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe…
Bất bình đẳng
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp lắp ráp ô tô cho hay, nhiều năm qua các cơ quan quản lý vẫn loay hoay bàn luận về cái tên liên quan CNHT mà không nhìn vào bản chất bên trong. Theo vị này, để làm ra sản phẩm cuối cùng, cần có một loạt các quá trình sản xuất, chẳng có DN sản xuất chính, phụ gì. Vì vậy, bất kì chính sách ưu đãi nào cũng phải bắt đầu từ mặt bằng chính sách chung. Khả năng hỗ trợ thuận lợi cho doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc thành lập doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn vay, mặt bằng sản xuất, tuyển dụng lao động, tương tự như hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dẫn chứng thị trường xe máy ở Việt Nam, vị lãnh đạo này cho hay, mỗi năm có tới gần 4 triệu chiếc được tiêu thụ. Do sản lượng quá hấp dẫn nên các nhà máy lắp ráp được đầu tư. Khi có tín hiệu nội địa hoá, các nhà cung cấp tranh nhau mọc lên. Chẳng cần có chính sách nào gọi là "phát triển CNHT".
Nhìn sang ngành ô tô, theo vị này, lại là câu chuyện khác. Sản lượng cả trăm đầu sản phẩm đủ loại. Chẳng có đầu tư sản xuất linh kiện nào có hiệu quả với sản lượng vài ngàn. Chính sách nào để phát triển nhà cung cấp, nếu nhà sản xuất ô tô không mở ra một cái ngách cho khả năng tham gia chuỗi cung ứng của họ?
“Việc ưu đãi cho bất kì ngành sản xuất nào cũng đều có tác động đến các ngành khác. Ưu đãi cho một doanh nghiệp cũng có thể dẫn đến chèn ép một hoặc một số doanh nghiệp khác. Việc ưu đãi dẫn đến giảm thu ngân sách đối với một doanh nghiệp đều có thể dẫn đến sức ép phải tăng thuế, phí ở các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Mấu chốt vấn đề của công nghiệp hỗ trợ không bắt đầu từ tín dụng”, lãnh đạo một doanh nghiệp lắp ráp ô tô khẳng định.
Ông Võ Quang Huệ: “Người Việt sẽ làm chủ được công nghệ sản xuất ô tô
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Võ Quang Huệ cho biết, VinFast đang bắt tay với các đối tác từ Đức để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện hàng đầu khu vực, đồng thời tin tưởng người Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ 4.0 trong nhà máy của VinFast.
Vì sao chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 10-20%?
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017, Nhóm công tác công nghiệp Ô tô – Xe máy đã chỉ ra nguyên nhân khiến chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan.
'Các nhà sản xuất ô tô sẽ không rời Việt Nam'
Đó là nhận định của ông Katsushi Iwata, Tổng GĐ Cty TNHH Denso Việt Nam – nhà sản xuất linh kiện ô tô hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp cho các hãng ô tô nổi tiếng.
Việt Nam chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô
Đây là thông tin được ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định tại cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để bàn về một số giải pháp phát triển ngành ô tô Việt Nam chiều 28/2.
Thục Quyên