Ngày 10/11, thị giá HPG trôi về đáy 2 năm đã thổi bay tài sản của ông Trần Đinh Long, theo đó, Chủ tịch Hòa Phát (HM:HPG) bị out khỏi danh sách tỷ phú đô la của Forbes.
Quỷ tỷ đô nhà Dragon Capital rút ròng hơn 110 triệu cổ phiếu HPG
Theo báo cáo cập nhật đến thời điểm 3/11, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã không còn nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ tỷ đô nhà Dragon Capital.Top 10 khoản đầu tư của VEIL tại ngày 3/11/2022Trước đó, tại ngày 6/10, HPG vẫn đứng thứ 5 trong danh mục đầu tư của VEIL với tỷ lệ 4,88%. Đáng chú ý, cuối 2021, HPG là chủ lực trong danh mục của quỹ ngoại này với tỷ trọng lớn nhất khoảng trên 12%. Chiếu theo giá trị tài sản ròng (NAV) của VEIL lên đến hơn 2,6 tỷ USD , ước tính giá trị khoản đầu tư vào HPG đạt khoảng 310 triệu USD. Chiếu theo thị giá HPG giai đoạn đó, quỹ ngoại này nắm giữ khoảng 156 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành thép.
Động thái rút vốn khỏi HPG của VEIL diễn ra mạnh mẽ khi giá thép và tình hình kinh doanh của cả ngành bắt đầu "phủ sương mờ" vào khoảng tháng 3/2022. Đến giữa tháng 6, VEIL đã bán ròng khoảng 50 triệu cổ phiếu HPG giảm lượng nắm giữ xuống còn 106 triệu đơn vị (141 triệu USD). Ngày 17/6, VEIL nhận thêm gần 32 triệu cổ phiếu từ đợt chia cổ tức của HPG theo đó, nâng lượng nắm giữ lên 138 triệu đơn vị.
Trước xu hướng rơi tự do của giá cổ phiếu HPG, VEIL tiếp tục miệt mài xả hàng. Tính đến ngày 3/11, HPG đã không còn trong top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục của VEIL, tương đương tỷ trọng dưới 3,11% (tỷ trọng của PNJ (HM:PNJ) – cổ phiếu đứng thứ 10). Với NAV chỉ còn 1,54 tỷ USD, giá trị khoản đầu tư vào HPG của VEIL chỉ còn chưa đến 48 triệu USD, tương ứng lượng sở hữu vào khoảng 78 triệu cổ phiếu.
Như vậy ước tính, VEIL đã bán ròng tối thiểu 60 triệu cổ phiếu HPG từ giữa tháng 6, qua đó nâng số lượng bán ròng HPG từ đầu năm lên khoảng 110 triệu cổ phiếu; chiếm hơn 40% tổng khối lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu đầu ngành thép.
Thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy, cổ phiếu của Hoà Phát chính là mã bị khối ngoại xả mạnh nhất với giá trị lên đến 7.558 tỷ đồng, tương ứng hơn 264 triệu đơn vị.
Việc khối ngoại dồn dập rút ròng cùng kết quả kinh doanh kém sắc của HPG khiến thị giá mã này trôi về đáy 27 tháng. Phiên 10/11, mã này giảm sàn về mức 12.100 đồng/cp, ước tính vốn hóa chỉ còn gần 72.000 tỷ đồng.
Nếu tính từ đầu năm 2022 tại mốc 35.120 đồng (sau điều chỉnh), cổ phiếu HPG hiện đã giảm 65% thị giá song nếu tính từ mức đỉnh 43.800 đồng hồi giữa tháng 10/2021, cổ phiếu này thậm chí đã mất tới 72% giá trị - vốn hóa tương ứng giảm gần 183.000 tỷ đồng.
Theo đó, Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn bị thổi bay cả tỷ USD vốn hóa khi nắm giữ hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG. Theo số liệu Forbes ngày 10/11, tài sản ông Trần Đình Long đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD, chỉ còn khoảng 960 triệu USD. Với kết quả này, Chủ tịch HPG đã bị out khỏi danh sách tỷ phú đô la và giảm liền 1.503 bậc xuống vị trí thứ 2.454 người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên sang tới phiên cuối tuần (11/11), HPG hồi phục nhẹ lên mức 12.300 đồng/cp. Theo đó, ông Long đã quay trở lại câu lạc bộ tỷ đồng. Ngược lại, Chủ tịch Nova Group, ông Bùi Thành Nhơn bất ngơ bị loại khỏi danh sách tỷ phú Forbes do cổ phiếu NVL (HM:NVL) tiếp tục nằm sàn phiên thứ 7 liên tiếp.
Lỗ đậm quý 3/2022, dự báo quý 4/2022 xám xịt
HPG vừa có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương từ tháng 11/2022.Theo văn bản, ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 /2022 HPG sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất. Từ đây đến cuối năm, HPG Dung Quất sẽ có 3 lò cao dừng hoạt động. Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn. Dù thị trường đang gặp khó nhưng hiện tại tồn kho của các doanh nghiệp và HPG vẫn ở mức khá cao. Cuối quý 2/2022, hàng tồn kho của HPG tăng vọt lên 57.600 tỷ đồng
Mới đây, SSI (HM:SSI) Research đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của HPG xuống 10.200 tỷ đồng - giảm 70% so với năm 2021.
Như vậy theo ước tính, nếu trừ đi khoản lãi sau thuế 9 tháng năm 2022 hơn 10.443 tỷ đồng, Hòa Phát sẽ ghi nhận khoản lỗ ròng 243 tỷ đồng trong quý 4/2022.
Về tình hình kinh doanh quý 3/2022, HPG báo lỗ 1.300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 11.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ 2 tập đoàn thép đầu ngành báo lỗ kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay và cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động. Điều này cho thấy khó khăn chung của ngành thép trong bối cảnh hiện tại.
Trước đó, ông Trần Đình Long đã dự đoán trước được bức tranh u tối của ngành thép trong khoảng thời gian này. Cụ thể, Chủ tịch Long từng chia sẻ sau quý 1 thì những quý còn lại của năm nay ngành thép gặp khó khăn.
Trong báo cáo cập nhật ngành thép quý 3/2022, CTCP Chứng khoán Everest (EVS Research) nhận định ngành thép đang ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm.
EVS Research cho rằng, sản xuất và tiêu thụ thép đang ở mức rất thấp, thậm chí ở mức thấp hơn so với quý 3/2021 – thời điểm nước ta đóng cửa đóng cửa vì dịch bệnh, các hoạt động xây dựng gần như đóng băng tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, EVS Research cho rằng sự phục hồi của ngành thép sẽ diễn ra vào quý 4/2022 bởi cuối năm là ‘mùa xây dựng’. Dù vậy, yếu tố quan trọng quyết định sự phục hồi trong dài hạn là sự phục hồi của ngành bất động sản.
Đồng quan diểm, VSA nhận định trong quý 4/2022, doanh nghiệp có thể khởi sắc, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Tuy nhiên, nhu cầu có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý.
Hơn nữa, tốc độ giải ngân đầu tư công hiện nay vẫn còn khá chậm. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công mới đạt khoảng 35% kế hoạch năm.
Ngoài ra, nhu cầu của thế giới vẫn đang ở mức thấp nên dù châu Âu và Trung Quốc có đang giảm sản lượng thì Việt Nam cũng chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.