Theo Đông Nhi
Investing.com -- Bitcoin (BTC) trong những năm gần đây đã được nhiều người tin là một công cụ để chống lại lạm phát. Vì vậy, về mặt lý thuyết, thị trường bitcoin sẽ tăng giá khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu thô lên mức giá cao nhất kể từ năm 2008.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Giá dầu cao có thể mang đến cho Cục Dự trữ Liên bang thêm nhiều lý do để lo lắng về lạm phát và điều đó có thể gây áp lực lên ngân hàng trung ương Hoa Kỳ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang cực kỳ nới lỏng.
Trong những tháng gần đây, Bitcoin đã giảm sau các thông báo cho thấy khả năng tăng lãi suất từ Fed. Gần như là đồng bộ với những gì thị trường chứng khoán thể hiện.
Một câu hỏi mà một số nhà phân tích tiền điện tử bắt đầu đặt ra là liệu bitcoin có thể tách khỏi xu hướng của thị trường chứng khoán và bắt đầu giao dịch giống như một tài sản trú ẩn an toàn tương tự như vàng - nghĩa là, một tài sản có giá có thể được hưởng lợi hoặc thậm chí chỉ cần giữ giá trị khi cổ phiếu bị bán tháo.
Jason Deane, nhà phân tích tại Quantum Economics, cho biết: “Tôi đang tự hỏi liệu Bitcoin có đang bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đầu tiên để trở thành một tài sản trú ẩn an toàn hay không.”Về mặt lý thuyết, điều này có thể trở thành một kết quả tích cực đối với Bitcoin”
Bitcoin đang có tuần giao dịch tốt nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng 12% kể từ ngày 27 tháng 2. Đợt tăng giá mới nhất đã đưa bitcoin trở lại vùng trên 40.000 đô la sau khi tin tức về cuộc chiến vào cuối tháng 2 khiến giá giảm xuống vùng 30.000 đô la. Tính đến thời điểm viết bài, giá bitcoin đang trên mốc 41.000 đô la.
Giá dầu thô
Giá dầu đã tăng vào đầu ngày thứ Năm lên mức cao nhất kể từ năm 2008, với giá dầu thô WTI của Mỹ có lúc đạt 116,57 USD/thùng trong phiên giao dịch.
Ngày càng có nhiều nhà kinh tế bày tỏ lo ngại rằng giá dầu cao hơn có thể khiến các tài xế chịu thiệt hại và cũng tăng chi phí đối với các nhà sản xuất và ngành giao thông vận tải. Một động thái như vậy có thể làm trầm trọng thêm lạm phát, vốn đã ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết trong một bài phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện rằng ông hy vọng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất 0,25% tại cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Ông Powell trích dẫn lạm phát cao, thị trường lao động thắt chặt và nhu cầu kinh tế mạnh mẽ là những lý do tại sao Fed cần bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, ông không trực tiếp đề cập đến dầu trong các bình luận của mình hôm thứ Tư.
Theo Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng tại Fitch: “Chúng tôi nghĩ rằng cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu và của Hoa Kỳ bằng cách đẩy giá dầu và khí đốt lên.”
Ông Coulton nói rằng trong khi nhiều nhà kinh tế tập trung vào lạm phát "cốt lõi", loại trừ tác động của giá thực phẩm và năng lượng biến động, thì những "cú sốc" lặp đi lặp lại từ giá dầu có thể trở thành một vấn đề.
Ông Coulton nói: “Những cú sốc lạm phát sẽ là một vấn đề lớn nếu chúng tiếp tục xuất hiện,”.
Thực tế là từ đầu năm đến nay, Bitcoin đã không hoạt động như một hàng rào chống lại lạm phát mà nhiều nhà giao dịch đã mong đợi.
Đồng tiền điện tử lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường đã giảm 8% tính từ đầu năm khi các dữ liệu về giá hàng tiêu dùng đang liên tục khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên. Thậm chí người ta còn nói về khả năng "Lạm phát kèm suy thoái”, tình trạng khi lạm phát cao nhưng tăng trưởng kinh tế lại không đáng kể.
Các nhà giao dịch đã cho thấy họ thoải mái hơn khi chuyển đổi tiền mặt thành vàng, vốn có hiệu suất vượt trội so với bitcoin tính từ đầu năm. Đó là một cảnh báo đối với hiệu suất của Bitcoin.
Mark Hackett, trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư tại Nationwide cho biết: “Đối với tiền điện tử, sự biến động không thể đoán trước và sự không chắc chắn về các quy định đang ảnh hưởng đến vai trò chống lại lạm phát, giá dầu tăng hoặc suy yếu kinh tế”