Vietstock - Để khắc phục 'kiểm toán lỗi'
Không phải chỉ mới gần đây mới có hàng loạt vụ lùm xùm liên quan đến các doanh nghiệp được kiểm toán và các doanh nghiệp kiểm toán. Nhiều năm trước đây cũng đã từng chứng kiến nhiều vụ việc tương tự. Tuy nhiên, vấn đề thường được phát hiện chậm, và cách xử lý thường mang tính hình thức, ít mang tính răn đe, thậm chí được bỏ trôi trong im lặng.
* Bất ngờ với doanh thu kiểm toán của Big4 đình đám
Thiếu cạnh tranh
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các lỗi, các vấn đề tồn tại trong chất lượng kiểm toán doanh nghiệp là thiếu sự cạnh tranh.
Theo một số thống kê trong ngành, hiện Việt Nam có khoảng 210 doanh nghiệp kiểm toán với gần 14.000 nhân viên. Tuy nhiên, dẫn đầu trong danh sách này là nhóm “Big 4”, gồm E&Y, PWC, Deloitte và KPMG, với tổng doanh thu chiếm khoảng hơn một nửa và sử dụng gần 30% số nhân viên chuyên nghiệp toàn ngành. Big 4 cũng chiếm tỷ trọng chi phối về số lượng khách hàng, với mỗi doanh nghiệp nhóm này có hàng ngàn khách hàng, so với con số tối đa hai ba trăm trở xuống ở các doanh nghiệp kiểm toán khác.
Có một số lý do để Big 4 áp đảo thị trường kiểm toán thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, gồm uy tín và nhà đầu tư/tổ chức liên đới thường có xu hướng đòi hỏi báo cáo tài chính doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, phải được kiểm toán bởi Big 4.
Sự áp đảo của Big 4 đã tạo ra một thị trường kiểm toán phân tầng rõ rệt, không chỉ về đối tượng, thị phần mà còn về chất lượng. Thiếu vắng cạnh tranh (đúng hơn là không thể cạnh tranh) đã buộc đa phần doanh nghiệp kiểm toán hoạt động trong phân khúc giá rẻ đi kèm với chất lượng thấp, dẫn đến nhiều bất cập theo một vòng xoáy đi xuống.
Điều này được minh họa bởi kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2018 (8 doanh nghiệp) và năm 2019 (10 doanh nghiệp) của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), chỉ có doanh nghiệp thuộc Big 4 mới được xếp hạng tốt (các doanh nghiệp còn lại chỉ ở mức “đạt yêu cầu”).
Để các doanh nghiệp kiểm toán ngoài Big 4 vươn lên về mặt chất lượng hoạt động, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành thì cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp này nắm bắt được phân khúc thị trường kiểm toán cao cấp hơn.
Xung đột lợi ích
Đôi khi lợi ích của ban giám đốc doanh nghiệp không trùng lặp với lợi ích của cổ đông (và các đối tác liên quan) và nghĩa vụ của kiểm toán. Nếu ban giám đốc chi phối được việc kiểm toán thì kết quả kiểm toán sẽ có xu hướng thiên lệch.
Sự chi phối này có thể đạt được bằng mấy cách như không thuê/tái thuê công ty kiểm toán, chấm dứt hoặc không trao hợp đồng kinh doanh trong các lĩnh vực khác ngoài kiểm toán cho công ty kiểm toán, gây khó khăn và tốn kém cho công ty kiểm toán trong quá trình kiểm toán…
Xu hướng trên thế giới trong vấn đề giám sát là xem xét thành lập một cơ quan chuyên trách về kiểm toán có sứ mệnh rõ ràng hơn. |
Đối với doanh nghiệp kiểm toán, nguồn thu nhập chính lẽ ra phải là từ kiểm toán doanh nghiệp. Nhưng thật bất ngờ là con số này lại rất khiêm tốn đối với nhiều công ty kiểm toán.
Thực tế này cho thấy hoạt động kiểm toán gần như là hoạt động… “tay trái” của doanh nghiệp kiểm toán, và đây cũng là nguồn chính gây ra các vấn đề về xung đột lợi ích trong hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán.
Để khắc phục xung đột lợi ích, cần thiết phải siết chặt phạm vi và cấp độ dịch vụ mà doanh nghiệp kiểm toán được phép cung cấp cho khách hàng. Chẳng hạn, nước Anh hồi năm 2016 đã ban hành luật giới hạn tỷ lệ phí phi kiểm toán ở mức 70% của phí kiểm toán thu được trong vòng ba năm trước đó.
Luật cũng cấm doanh nghiệp kiểm toán cung cấp một số dịch vụ đồng thời cho khách hàng được kiểm toán, gồm dịch vụ thuế, chuẩn bị báo cáo tài chính, định giá và một số dịch vụ pháp lý…
Đối với doanh nghiệp kiểm toán chỉ có hoạt động kiểm toán hoặc bị cấm cung cấp dịch vụ khác cho doanh nghiệp được kiểm toán, để hạn chế khả năng ban giám đốc doanh nghiệp được kiểm toán đe dọa không ký hoặc không tái ký hợp đồng kiểm toán, cần cân nhắc các giải pháp như chỉ định công ty kiểm toán bởi một bên thứ ba độc lập, như sở giao dịch chứng khoán hoặc cơ quan chức năng. Hoặc công ty kiểm toán được chỉ định theo hợp đồng có kỳ hạn 5-7 năm để không phải lo ngại bị gạt ra nếu làm trái ý doanh nghiệp.
Đối với các hành động gây khó dễ cho doanh nghiệp kiểm toán từ phía doanh nghiệp thuê kiểm toán, cần quy định doanh nghiệp kiểm toán phải báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng về các vấn đề mà họ đối mặt, gồm, ví dụ, phải làm thêm việc mà doanh nghiệp thuê kiểm toán từ chối chi trả, hay cần có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng khi thấy có rủi ro về chất lượng kiểm toán phát sinh từ vấn đề này.
Bất cập giám sát
Quy định tăng cường cạnh tranh và giảm xung đột lợi ích không thôi là chưa đủ để nâng cấp chất lượng kiểm toán. Ngành kiểm toán phụ thuộc lớn vào việc giám sát thực hiện.
Cụ thể hơn, tăng cường cạnh tranh đôi khi dẫn đến kết quả ngược lại bởi giảm chất lượng nhiều khi là cách đơn giản nhất để giảm áp lực từ cạnh tranh (tương tự như người bán nhỏ phải bí mật hạ chất lượng nhằm hạ giá sản phẩm để cạnh tranh được về giá với người bán lớn).
Vai trò của cơ quan chức năng ở đây là phải tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện và trừng phạt nghiêm, mang tính răn đe cao các hành vi vi phạm, sai sót của doanh nghiệp kiểm toán, hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng kiểm toán một cách bền vững.
Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam cho thấy cơ quan chức năng còn yếu kém hoặc lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và kịp thời phát hiện sai phạm, hoặc nương tay với các sai phạm của doanh nghiệp và nhân viên kiểm toán. Các mức phạt hiện tại cũng còn chưa đủ mạnh để mang tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi phạm pháp trong ngành.
Xu hướng trên thế giới trong vấn đề giám sát là xem xét thành lập một cơ quan chuyên trách về kiểm toán có sứ mệnh rõ ràng hơn. Cơ quan này tập trung vào quyền lợi của người sử dụng thông tin tài chính chứ không phải là người lập ra/cung cấp thông tin, được tôn trọng bởi những người phụ thuộc vào công việc của cơ quan này và gây sợ hãi, nếu cần, cho những ai bị cơ quan này giám sát, có quyền lực thích hợp và đủ nguồn lực để thực thi nhiệm vụ, và có khả năng thu hút nhân lực giỏi nhất.
Châu Phan