Vietstock - Vùng nguyên liệu “trói” hạt gạo xuất khẩu
Doanh nghiệp (DN) buộc phải có vùng nguyên liệu nếu muốn xuất khẩu gạo - Đây là một quy định mới trong dự thảo Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo đang gây nhiều tranh cãi.
"Mặc dù Cty Lương thực Tiền Giang chủ động thương lượng và cập nhật giá thị trường để điều chỉnh giá mua nhưng thường xuyên bị hàng xáo cạnh tranh, gây rối. Lực lượng này dựa vào giá công ty để nâng giá thu mua cao hơn 50 đồng/kg. Nông dân thấy lợi trước mắt, sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, còn hàng xáo thì chọn mua một ít lúa tốt rồi bỏ đi…" - Đây là chia sẻ của ông Lê Thanh Khiêm - Phó Giám đốc Cty Lương thực Tiền Giang.
Kho gạo Công ty Lương thực Tiền Giang. Ảnh: Vũ Sinh
|
Liên kết không thể... một phía
Cùng cảnh ngộ này, nhiều DN kinh doanh xuất khẩu gạo đã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bao tiêu lúa cho nông dân, nhưng nông dân vẫn thường xuyên phá bỏ hợp đồng liên kết.
Góp ý của VCCI với Bộ Công Thương đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã chỉ ra, vấn đề liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo được coi là khâu then chốt.
Trên thực tế, nhiều DN và người nông dân cũng đã tự ký các thỏa thuận liên kết để nâng cao giá trị nông sản mà không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, mỗi khi có biến động giá hoặc sản lượng, cả phía DN và nông dân đều dễ dàng vi phạm các hợp đồng đã ký kết. Nhìn từ vấn đề của Cty Lương thực Tiền Giang có thể thấy, các cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng (đặc biệt từ tòa án) hiện chưa đảm bảo để trừng phạt vi phạm hợp đồng, giúp duy trì các liên kết như vậy một cách lâu dài.
Do đó, về dài hạn, VCCI cho rằng, biện pháp tốt nhất để tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ là cải thiện các thiết chế tư pháp bảo đảm thực thi hợp đồng, còn các biện pháp hành chính buộc hai bên phải liên kết như trong dự thảo Nghị định chỉ mang tính ngắn hạn.
Nhà nước làm trọng tài
Theo VCCI, từ năm 2002, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg (sau thay thế bằng Quyết định 62/2013/QĐ-TTg) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. với nhiều nội dung ưu đãi, hỗ trợ dành cho các DN có liên kết với nông dân gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản.
Các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ như miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí và đặc biệt là ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ.
VCCI đồng tình với quan điểm chính sách tại Quyết định 62 về liên kết giữa nông dân và DN ở mức độ ưu đãi, hỗ trợ, chứ không phải ở mức độ bắt buộc. Nói cách khác, nếu DN có sự liên kết với nông dân thì sẽ được hưởng các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước, chứ đó không phải là cơ sở để cấm một hoạt động kinh doanh.
Các biện pháp ưu đãi có thể là DN có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất sẽ được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn các DN khác. DN có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất sẽ được ưu tiên thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung…
Nếu quy định bắt buộc như dự thảo sẽ khiến cho nhiều DN không thể xuất khẩu, mặc dù DN đó có cơ hội để mua gạo của nông dân và bán cho nước ngoài.