Vietstock - Đường kính 'lậu' bị bắt giữ tăng gần 73%, vì sao?
Trong 8 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ 501 tấn đường kính, tăng 72,84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 8.9, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường kính đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, các bến đò dọc tuyến sông Sê Pôn, Đường 9, các tụ điểm tập kết hàng lậu để kịp thời đấu tranh ngăn chặn các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại đường kính.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu phải kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan buông lỏng, thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng buôn lậu, vận chuyển mặt hàng đường kính thuộc khu vực, địa bàn quản lý; phối hợp đấu tranh bắt giữ các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đường kính.
Chính quyền địa phương, đặc biệt là 2 huyện biên giới Hướng Hóa và Đakrông, phải chỉ đạo cấp dưới tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia vận chuyển, bao che, tiếp tay cho buôn lậu đường kính, đồng thời phát huy tinh thần tố giác tội phạm...
Đường kính lậu tại kho của Đội đặc nhiệm biên phòng Quảng Trị. NGUYỄN PHÚC |
Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã bắt giữ 501 tấn đường kính, tăng 72,84% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 1.8.2021, Bộ Công thương ban hành quyết định 1514/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đường kính trong thời gian tới còn rất phức tạp.
Sở Công thương tỉnh Quảng Trị lý giải, khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng, mức thuế đường kính nhập khẩu tăng cao. Để trốn thuế, đã có hiện tượng giả mạo bao bì, đổi nhãn mác từ đường Thái Lan sang đường của 5 quốc gia trên.
Nguyễn Phúc