Vietstock - Tăng mức phạt đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Từ 10-7, các cửa hàng xăng dầu cũng như các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối nếu ngưng bán hàng, giảm thời gian bán hàng hay giảm lượng hàng bán ra so với bình thường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 20 đến 40 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp đôi so với hiện hành.
Các hành vi vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hầu hết đều tăng mức phạt từ 10-7. Ảnh: Minh Tâm
|
Căn cứ để cơ quan chức năng xử phạt là khoản 5, điều 30, Nghị định 67/2017/NĐ-CP vừa được ban hành hôm 25-5.
Các hành vi được quy định cụ thể gồm: giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc trước đó; không bán hàng, ngừng bán hàng; giảm lượng hàng bán ra so với trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo với cơ quan có thẩm quyền.
So với quy định hiện hàng đang được áp dụng là Nghị định 97/2013/NĐ-CP thì mức phạt với các hành vi kể trên đã tăng gấp đôi.
Không chỉ vậy, theo Nghị định 67, hành vi không đăng ký thời gian bán hàng với cơ quan quản lý cũng sẽ bị xử phạt từ 6 đến 10 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi bán xăng qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, qua chai và các dụng cụ chứa đựng khác như thường thấy ở những điểm bán xăng lẻ không phép trên đường cũng sẽ được gia tăng mức xử phạt, tối đa lên 4 triệu đồng. Nếu bán qua các trụ bơm di động mà chưa có phép, mức xử phạt lên tới 20 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định 67, hàng loạt hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực xăng dầu hầu hết đều tăng gấp đôi mức xử phạt hành chính so với hiện hành. Chẳng hạn như kinh doanh không phép (không có chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ); xuất nhập khẩu không phép; niêm yết giá sai, không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; không dự trữ lượng xăng dầu tối thiểu như quy định…
Phạt tiền doanh nghiệp không sản xuất xăng E5, E10 Điểm đáng chú ý của Nghị định 67 là doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 60 đến 80 triệu đồng nếu không thực hiện phối trộn nhiên liệu sinh học với truyền thống (tức xăng E5, E10) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. |