Vietstock - Phát triển thị trường xuất khẩu gạo: Giảm số lượng, tăng giá trị
Mục tiêu xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới là giảm dần lượng gạo hàng hóa nhưng tăng giá trị xuất khẩu.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Đây là vấn đề trọng tâm được đưa ra tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4,5-5 triệu tấn, giá trị bình quân đạt 2,2-2,3 tỷ USD/năm, giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn, giá trị xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD/năm.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có giai đoạn chuyển đổi theo hướng mới; trong đó, thị trường xuất khẩu tại một số nước giảm sản lượng và đòi hỏi cao về chất lượng.
Một trong những chủ trương của xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay là nâng cao giá trị gia tăng, duy trì và phát triển những thị trường đã được mở rộng.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu; trong đó, đến năm 2020, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường châu Mỹ chiếm 8%, thị trường châu Âu chiếm 5%.
Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm khoảng 50%, thị trường châu Phi chiếm 25%, thị trường châu Mỹ chiếm 10%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 6%...
[Xuất khẩu gạo: Cần tránh việc phụ thuộc vào một thị trường]
Đối với thị trường châu Á, thực hiện củng cố, giữ thị phần gạo có chất lượng trung bình trở lên, đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo nếp tại các thị trường truyền thống trọng điểm tại khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, đồng thời đưa sản phẩm gạo có chất lượng, thương hiệu, giá trị cao vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp tại thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, tại thị trường châu Phi, Trung Đông sẽ khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế của các thị trường Iran, Iraq; khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường Ả rập Xê Út, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong sản xuất lúa gạo cần xác định vùng nguyên liệu trọng điểm là Đồng bằng Sông Cửu Long vì đây là vùng sản xuất thuận lợi đảm bảo 2 vụ lúa năng suất cao.
Vùng chuyên canh này nằm ở 30 huyện thuộc 8 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An và thành phố Cần Thơ. Sản lượng lúa của vùng chuyên canh này chiếm 50% tổng sản lượng của vùng và đóng góp 75% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang thực hiện điều tiết, phân phối giống lúa cho nông dân để đi dần vào ổn định cơ cấu giống, trong đó tăng tỷ lệ canh tác các giống lúa thơm Jasmine 85, Tài nguyên, Nàng hoa 9, VD 20, OM 4900…
Các địa phương cũng đang tổ chức lại sản xuất theo hướng chứng nhận GAP, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để có sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt tiêu chí, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Về thực trạng xuất, nhập khẩu gạo, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lượng thực Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới có 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất gồm Thái Lan, Việt Nam, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, trong đó nhu cầu nhập khẩu có 10 nước chính với 17 triệu tấn.
Các chủng loại gạo xuất và nhập khẩu chính trên thế giới là gạo basmati, gạo đồ, gạo thơm, tấm trắng, gạo nếp, gạo japonica, gạo trắng dài; trong đó, Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu gạo nếp, chuyên xuất đi các nước châu Á và châu Âu, còn lại xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, tấm trắng, gạo trắng hạt dài.
Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,8 triệu tấn với kim ngạch 2,1 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2017, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 4,3 triệu tấn với kim ngạch 1,8 tỷ USD.
Nhằm thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, ông Huỳnh Minh Huệ đề xuất, thực hiện cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chọn giống, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chú trọng phát triển các giống lúa cho sản phẩm gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo hạt dài, gạo nếp và một số giống lúa đặc sản vùng miền.
Bên cạnh đó, thực hiện đầu tư phòng kiểm định chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra chất lượng gạo, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm gạo đạt chuẩn chất lượng quốc tế.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) cũng cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay đang được thay đổi theo hướng từ đồng ruộng đến thị trường xuất khẩu, không chạy theo số lượng mà có kế hoạch cụ thể từ cây giống, diện tích, sản lượng và có sự chuẩn bị trước về thị trường xuất khẩu.
Điều này sẽ đảm bảo được chất lượng và tăng giá trị xuất khẩu của chúng ta trong thời gian tới.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, Đồng Tháp thực hiện đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo hướng sạch, nâng cao chất lượng lúa gạo.
Tỉnh cũng thực hiện rà soát lại quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu giảm giá thành, tăng năng suất và tăng lợi nhuận.
Đồng Tháp hiện có 500.000 ha sản xuất lúa gạo với sản lượng đạt 3 triệu tấn/năm, giống lúa chất lượng cao đạt trên 50%, cung ứng khoảng 800.000 tấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 13 doanh nghiệp trong tỉnh./.
Nguyễn Xuân Dự