Vietstock - OPEC đau đầu vì Iraq
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang gặp rắc rối với Iraq vì họ không biết rõ liệu sản lượng của Iraq sẽ gia tăng hay sụt giảm. Điều này khiến bức tranh chính sách trở nên mờ mịt hơn khi các Bộ trưởng Dầu mỏ gặp mặt tại Vienna để bàn luận về thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
* Cuộc họp OPEC cuối tháng 11: Tiến thoái lưỡng nan
Sau khi liên tục sản xuất vượt quá hạn ngạch sản lượng, thì trong tháng 10/2017, sản lượng Iraq bắt đầu tụt dốc, khi các cuộc đụng độ giữa quân đội liên bang và các chiến binh từ khu vực bán tự trị Kurdish gây gián đoạn hoạt động sản xuất tại các mỏ dầu ở tỉnh Kirkuk. Mặc dù tình trạng xung đột đã dịu bớt, nhưng hoạt động xuất khẩu từ mỏ dầu ở phía Bắc Iraq trong nửa đầu tháng 11/2017 đã giảm 40% so với thời điểm trước khi xung đột xảy ra, dữ liệu cho thấy.
OPEC vốn đang phải bù đầu vì sản lượng bất ổn từ phía Nigeria và Libya, và nay Iraq lại tạo thêm một rắc rối mới cho Tổ chức này. Theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, tình trạng gián đoạn trong ngắn hạn có thể dẫn tới khả năng Iraq sẽ đẩy mạnh sản xuất trong dài hạn. Iraq – đất nước chỉ mới được áp đặt hạn ngạch sản lượng hồi năm 2016, sau nhiều thập kỷ được miễn trừ – chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với những sự cưỡng ép về sản lượng, và họ muốn tối đa hóa sản lượng tiềm năng của nước mình.
“Sản lượng sẽ biến động rất mạnh”, Issam Chalabi, Cố vấn và từng là Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, cho hay. Mặc dù sẽ rất khó để Iraq bù đắp lượng dầu mất đi ở phía Bắc một cách nhanh chóng, nhưng ý định thực sự của họ là muốn đạt mức 5 triệu thùng trước thời điểm kết thúc năm 2017.
Tình trạng bất ổn trên khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với OPEC trong việc đánh giá sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu toàn cầu vào năm tới, cũng như đưa ra quyết định về thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Trong khi nguồn cung dầu từ Libya và Nigeria – vốn không có một giới hạn sản lượng chính thức theo thỏa thuận hiện tại của OPEC – đã cho thấy một số dấu hiệu của sự ổn định, thì sản lượng của Iraq lại trở nên thất thường. Tháng trước, sản lượng của Iraq giảm bớt 120,000 thùng/ngày – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2017 – khi Chính quyền trung ương bất đồng với nhóm người Kurd, dữ liệu tổng hợp của Bloomberg cho thấy. Điều này có nghĩa Iraq đã bơm 4.35 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10/2017, thấp hơn mức mục tiêu của OPEC lần đầu tiên trong năm nay.
Dẫu vậy, các công ty quốc tế có hoạt động sản xuất ở Iraq đang theo đuổi kế hoạch nâng cao khả năng sản xuất, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Jabbar al-Luaibi, cho biết tại một hội nghị ở các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) hồi tháng 9/2017. Chính phủ Iraq đã giảm sản lượng ở các mỏ dầu để đáp ứng hạn ngạch của OPEC, ông cho hay.
Chiến lược cắt giảm sản lượng của OPEC đang cho thấy các dấu hiệu thành công trong nỗ lực hỗ trợ giá dầu. Bằng chứng là giá dầu Brent đã vượt mốc 60 USD/thùng trong tháng này, sau khi tụt mất gần 30 USD/thùng trong năm 2016. Daniel Yergin, Phó Chủ tịch tại IHS Markit cho hay cuộc xung đột với Kirkuk và tình trạng căng thẳng ở các khu vực khác đã góp phần hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Nguồn: Bloomberg
|
“Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy các yếu tố địa chính trị trong khu vực được bao hàm vào giá dầu”, ông Yergin cho biết trong cuộc phỏng vấn ở Abu Drabi hồi ngày 14/11/2017. “Đây là một thứ gì đó gây khó khăn cho OPEC”.
Vẫn chưa rõ là khi nào thì dòng chảy dầu từ các mỏ ở phía Bắc Kirkuk sẽ tiếp tục trở lại, và để vận chuyển dầu từ khu vực này tới các thị trường quốc tế thì cần phải sử dụng một đường ống dẫn do người Kurd đang nắm giữ.
Được biết, đường ống này đã xuất khẩu khoảng 320,000 thùng/ngày trong nửa đầu tháng 11/2017, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 565,000 thùng/ngày trong 9 tháng đầu năm 2017, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.
“Tình trạng gián đoạn liên quan tới người Kurd có thể kéo dài thêm 6 tháng nữa”, Jaafar Altaie, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Manaar Group – vốn hoạt động ở Iraq, cho hay. “Iraq vẫn sẽ tiếp tục gian lận, nhưng tình trạng gian lận sẽ không diễn ra liên tục, và điều này sẽ phá hoại nỗ lực của OPEC”.
Sản lượng từ Nigeria – vốn tụt xuống mức thấp nhất trong 3 năm hồi tháng 8/2017 – nay đã hồi phục trở về mức tại thời điểm quốc gia này tuyên bố gia nhập vào thỏa thuận của OPEC.
Mặc dù sự biến động của sản lượng Iraq dường như không bằng so với Libya – nơi đang diễn ra xung đột nặng nề, nhưng Iraq vẫn được xem là một yếu tố khó lường mà OPEC cần phải cân nhắc trước khi tiến tới quyết định về thỏa thuận cắt giảm sản lượng, Ed Morse, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup ở New York, cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)