Vietstock - Xuất khẩu cá tra: Vì sao chế biến sâu chỉ chiếm 2%?
Năm 2022, ngành cá tra lập kỳ tích khi mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 2,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng trong kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD của toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra xuất khẩu hầu hết chỉ ở dạng sơ chế…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tới năm 2022 cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản. Với kim ngạch XK từ 1,5- 2,4 tỷ USD/năm, cá tra chiếm 16-26% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam…
Chế biến cá tra xuất khẩu. ẢNH: CẢNH KỲ |
Tuy nhiên, sản phẩm cá tra XK hầu hết là ở dạng sơ chế, trong khi tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng (GTGT) còn quá khiêm tốn. Cụ thể, trong cơ cấu sản phẩm cá tra XK năm 2022, cá tra phi-lê đông lạnh chiếm tới 86%; cá tra tươi/đông lạnh/khô nguyên con, cắt khúc chiếm 12%; còn cá tra chế biến GTGT chỉ chiếm 2%.
Qua 20 năm chinh phục thành công nhiều thị trường lớn nhưng cá tra Việt Nam vẫn hạn chế ở phân khúc sản phẩm GTGT. Ông Trần Văn Hùng (Công ty TNHH Hùng Cá) cho biết, một số doanh nghiệp cũng đầu tư nhà máy chế biến cho phân khúc sản phẩm GTGT nhưng kết quả hoạt động không như kỳ vọng. Bên cạnh đó, một yếu tố đáng lưu ý đó là sản phẩm GTGT khi đưa sang thị trường nhập khẩu không giữ được sự nguyên vẹn về mặt chất lượng.
“Như sản phẩm cá tra giả thịt cừu cuốn bánh tráng, khi đưa qua thị trường nhập khẩu bị bể, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Trong khi đó, phi-lê và nguyên con cắt khúc là những dòng sản phẩm thô sơ được đưa vào nhà hàng hoặc được người tiêu dùng mua về chế biến theo nhu cầu, sở thích riêng” - ông Hùng dẫn chứng và cho rằng trong tương lai gần rất khó để thay đổi được nhiều.
Rào cản thị trường
Theo ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Cafatex, thị trường nhập khẩu tập trung mua sản phẩm cá tra phi-lê và nguyên con cắt khúc của Việt Nam vì thuận tiện cho họ trong việc chế biến được nhiều sản phẩm khác nhau. DN cũng mong muốn nâng cao giá trị cho con cá tra bằng việc đi vào phân khúc sản phẩm GTGT, nhưng hiện nay cũng chỉ dừng lại ở sản phẩm tẩm bột với sản lượng không đáng kể.
Ông Võ Hùng Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, thị trường đang cần sản phẩm phi-lê, nguyên con cắt khúc và phân khúc này vẫn mang lại nhiều lợi ích cho DN và người nuôi nên dòng sản phẩm sơ chế này vẫn đang được các DN lựa chọn.
Mặt khác, rào cản về thuế suất, kiểm tra vệ sinh hay các tiêu chuẩn liên quan nghiêm ngặt hơn của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm chế biến sâu cũng chính là những trở ngại cho DN đẩy mạnh phân khúc này.
“Các thị trường nhập khẩu đều có những hàng rào kỹ thuật được dựng lên để ngăn chặn sản phẩm chế biến sâu nhằm bảo vệ ngành công nghiệp chế biến trong nước của họ. Đồng thời, họ có thể lấy sản phẩm phi-lê nguyên con cắt khúc để chế biến tiếp tục, nhất là khi sản phẩm này là sản phẩm tươi” - ông Dũng nhận định.
Mất dần vị thế "độc tôn"
Theo Bộ NN&PTNT, cá tra là loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế của khu vực ĐBSCL, đây cũng là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành cá tra không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu.
Tuy nhiên, sau những năm đầu không có đối thủ, "một mình một chợ" vì hầu như không có quốc gia nào cạnh tranh thì càng về sau và nhất là những năm gần đây, cá tra Việt Nam mất dần vị thế độc tôn khi các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc đã sản xuất được sản lượng cá tra đáng kể.
Hội nghị Thị trường thủy sản toàn cầu (GSMC) ước tính sản lượng cá tra toàn cầu năm 2023 sẽ tăng 62.000 tấn, lên hơn 3,4 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam chiếm 44% với hơn 1,4 triệu tấn; tiếp theo là Ấn Độ với 648 nghìn tấn; Trung Quốc 468 nghìn tấn; Bangladesh 412 nghìn tấn và Indonesia 387 nghìn tấn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra, cần nhiều giải pháp đồng bộ như liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và DN; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị, sử dụng hiệu quả phụ phẩm và phát triển thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ gồm cả XK và tiêu dùng nội địa.
Năm 2022, kim ngạch XK cá tra đạt 2,44 tỷ USD, tăng 51% so với năm 2021. Năm thị trường hàng đầu của cá tra Việt Nam lần lượt là Trung Quốc (672 triệu USD), Mỹ (537 triệu USD), Mexico (105 triệu USD), Brazil (95 triệu USD), Thái Lan (86 triệu USD)… Cá tra cũng là mặt hàng tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu năm 2022. Tuy nhiên, tháng 1/2023, đây cũng là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất khi giảm 50% so với cùng kỳ, đạt 106 triệu USD. |
CẢNH KỲ