Với sức tiêu thụ hơn 500.000 xe trong năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam lần đầu tiên chạm cột mốc quan trọng trong mục tiêu trở thành một trong những thị trường ô tô lớn của khu vực. Theo công bố từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết thúc năm 2022, doanh số bán hàng của hiệp hội này đã đạt 404.635 xe, cộng với số liệu của TC Motor là 81.582 xe và VinFast là 22.330 xe, kết quả tổng mức tiêu thụ của toàn thị trường ô tô Việt Nam đã đạt 508.545 xe.
Kỷ lục mới thiết lập
Như vậy, sau 3 năm gần nhất chỉ đạt ngưỡng hơn 400.000 xe, có thể nói 2022 là năm bùng nổ và bứt phá của thị trường xe Việt khi có mức tăng trưởng lên tới 24% so với năm 2021. Việc cán cột mốc 500.000 xe đã bán ra không chỉ là một kỷ lục mới về doanh số mà nó còn cho thấy Việt Nam đang dần trở thành một trong những thị trường ô tô lớn của khu vực.
Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng đột phá này phải kể đến chính sách kích cầu giảm 50% lệ phí trước bạ trong 5 tháng đầu năm của Chính phủ, cũng như hàng loạt mẫu xe mới được giới thiệu ra thị trường, tập trung ở phân khúc xe phổ thông giá rẻ.
Như vậy, trong các thị trường trong khu vực có doanh số đạt trên 500.000 xe/năm, giờ đây không chỉ có Thái Lan, Indonesia, Malaysia mà đã có thêm Việt Nam ở vị trí thứ 4.
Xếp thứ 4 và kỳ vọng thu hẹp khoảng cách
Mặc dù, sức tiêu thụ đã thu hẹp với 3 quốc gia kể trên nhưng về khả năng sản xuất, Việt Nam vẫn còn giữ một khoảng cách khá xa. Theo số liệu từ Hiệp hội ô tô Đông Nam Á (AAF), tính đến hết tháng 11/2022, Thái Lan vẫn đang là quốc gia sản xuất ô tô nhiều nhất khu vực với 1.790.082 xe, tiếp đến là Indonesia với 1.330.238 xe và Malaysia 633.412 xe, trong khi Việt Nam mới sản xuất được 407.100 xe.
Nhìn vào con số này, có thể thấy Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 trung tâm sản xuất ô tô lớn của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là 2 nước có lượng xe được nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong năm 2022 với con số lần lượt là 72.034 xe (Thái Lan) và 72.671 xe (Indonesia).
Nhất là khi VinFast đang đặt mục tiêu sản xuất xe điện với một số lượng lớn để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu ra toàn thế giới, còn TC Motor mới đây cũng vừa khánh thành thêm nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô thứ 2 tại Ninh Bình, nâng tổng công suất lên 180.000 xe để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Chưa kể, một số hãng xe mới như Skoda và Chery đều đã có kế hoạch liên doanh với đối tác trong nước để lắp ráp xe trong những năm tới, cho thấy xu hướng dịch chuyển lắp ráp ô tô từ các nước ASEAN sang Việt Nam là rất rõ ràng.
Vẫn còn những gam màu tối trong một bức tranh tươi sáng
Cũng trong năm 2022, chúng ta được chứng kiến hai thái cực của thị trường ô tô Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm, việc đứt gãy chuỗi cung ứng và linh kiện khiến nhiều hãng xe rơi vào cảnh khan hàng, không có xe để bán. Nhưng nhu cầu quá cao của thị trường đã đẩy giá xe cả mới lẫn cũ đều tăng chóng mặt, người mua xe không chỉ vừa mất tiền mua xe giá cao mà còn phải chờ đợi nhiều tháng trời để nhận được xe.
Ngược lại, từ quý 4/2022, giá xe ô tô lại có xu hướng giảm mạnh do nguồn cung dồi dào hơn, nhu cầu mua sắm của người dân không còn cao do tình hình kinh tế đi xuống và các ngân hàng siết chặt hạn mức tín dụng. Thậm chí, giới kinh doanh ô tô còn chấp nhận cắt lỗ để bán xe mà chưa chắc đã có người mua.
Dự báo, bất chấp nguồn cung đã không còn khan hiếm nhưng sức mua của thị trường ô tô Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế, ít nhất là đến nửa đầu năm năm 2023.
Vì vậy, con số hơn 500.000 xe của năm 2022 có tiếp tục được duy trì hay không? Tất cả đều đang chờ đợi các giải pháp tháo gỡ của Chính phủ đối với tình hình kinh tế nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng trong năm 2023.