Vietstock - Lo ngại về thương mại dâng cao, Dow Jones rớt thêm hơn 550 điểm
- Sụt hơn 4.5%, Phố Wall chứng kiến tuần sụt giảm mạnh nhất từ tháng 3/2018
- Tuần qua, Dow Jones mất 4.5%, S&P 500 giảm 4.6% và Nasdaq Composite sụt 4.9%
Các chỉ số chính trên Phố Wall đồng loạt giảm hơn 2% vào ngày thứ Sáu (07/11) trong một đợt bán tháo trên diện rộng, dẫn đầu bởi đà sụt giảm của các cổ phiếu internet và công nghệ, đồng thời các chỉ số này cũng ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018, khi những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và lãi suất làm biến động Phố Wall, Reuters đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones giảm 558.72 điểm (tương đương 2.24%) xuống 24,388.95 điểm, chỉ số S&P 500 mất 62.87 điểm (tương đương 2.33%) còn 2,633.08 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 219.01 điểm (tương đương 3.05%) xuống 6,969.25 điểm.
S&P 500 gần như đã xóa hết đà tăng từ tuần trước đó, thời điểm chỉ số này đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong 7 năm.
Tuần qua, Dow Jones mất 4.5%, S&P 500 giảm 4.6% và Nasdaq Composite sụt 4.9%.
Sau thỏa thuận đình chiến thương mại hồi cuối tuần trước giữa Mỹ và Trung Quốc, chứng khoán đã biến động cả tuần qua khi nhà đầu tư đã cố gắng xem xét cẩn thận thông tin để tìm kiếm dấu hiệu về việc liệu bóng mây căng thẳng thương mại đã bao phủ thị trường chứng khoán sẽ có thể biến mất hay không.
Lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại dấy lên khi Cố vấn thương mại Nhà Trắng, Peter Navarro, nhận định rằng các quan chức Mỹ có thể nâng thuế quan nếu cả 2 nước không thể đạt được một thỏa thuận trong khoảng thời gian đàm phán 90 ngày.
Cùng với thương mại, Phố Wall cũng tập trung chú ý đến lợi suất trái phiếu, và hướng đi của chính sách lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi một số nhà đầu tư dự báo tốc độ nâng lãi suất sẽ chậm hơn dự đoán trước đó.
Walter Todd, Giám đốc đầu tư tại Greenwood Capital Associates, nhận định: “Đó là sự khủng hoảng niềm tin về tình hình thương mại, những gì đang xảy ra ở đó, và có thể là một chút khủng hoảng niềm tin vào Fed, khi đã nhanh chóng thay đổi quan điểm như thế nào”.
Nhóm cổ phiếu công nghệ giảm điểm, trong đó lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 mất 3.5%. Nhóm cổ phiếu y tế, vốn có thành quả tốt nhất trong các lĩnh vực chính thuộc S&P 500 năm nay, cũng giảm 2.5%.
Nhóm cổ phiếu năng lượng lùi 0.6%, được hỗ trợ nhờ đà tăng của giá dầu khi Ả-rập Xê-út và các nhà sản xuất khác thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cũng như các đồng minh như Nga, đã đồng ý cắt giảm sản lượng để giảm dự trữ nhiên liệu toàn cầu và hỗ trợ thị trường.
Mức bình quân động 50 ngày của S&P 500 đã giảm xuống thấp hơn mức bình quân động 200 ngày, một hiện tượng được gọi là “điểm giao cắt tử thần” (death cross) và một số người theo dõi thị trường xem đó là tín hiệu tiêu cực trong ngắn hạn.
Chỉ số vận tải Dow Jones rớt 8% trong tuần qua, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong hơn 7 năm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 sụt 5.6%, ghi nhận tuần có thành quả tồi tệ nhất kể từ tháng 1/2016.
Ngoài ra, dữ liệu từ Chính phủ cho biết tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm hơn trong tháng 11 và tiền lương tăng thấp hơn dự báo, qua đó cho thấy một số điều chỉnh trong hoạt động kinh tế có thể hỗ trợ cho kỳ vọng Fed nâng lãi suất ít hơn trong năm 2019.
Số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng trên sàn New York theo tỷ lệ 2.08:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 2.63:1.
Khoảng 8.7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn so với mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 7.9 tỷ.
An Trần