Vietstock - Đứt gãy chuỗi cung ứng cản trở đà tăng trưởng của Nike (NYSE:NKE)
Doanh thu sụt giảm ở Trung Quốc, khu vực châu Á Thái Bình Dương và Mỹ La tinh khi các nhà máy đóng cửa làm giảm lượng tồn kho.
Những rắc rối trong chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số Nike. Gã khổng lồ ngành giày thể thao chững lại đà tăng trưởng quý thứ hai liên tiếp do sản xuất và vận chuyển hàng hóa của tập đoàn bị gián đoạn trên khắp thế giới.
Nike đã công bố doanh thu 11.4 tỷ USD trong quý kết thúc vào ngày 30/11, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo đạt 11.2 tỷ USD từ các chuyên gia phân tích.
Nhu cầu đối với sản phẩm Nike tiếp tục vượt quá nguồn cung. Quý trước đó, Nike đã trì hoãn sản xuất 10 ngày vì các biện pháp phong toả tại Việt Nam, đồng thời dự báo tăng trưởng doanh thu đi ngang trong quý 4.
Hôm thứ Hai (20/12), Nike cho biết doanh thu tại Trung Quốc, khu vực châu Á Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh suy giảm chủ yếu do lượng tồn kho thấp khi các nhà máy buộc đóng cửa vì dịch Covid-19. Lệnh giãn cách nhằm giảm sự lây lan của Covid-19 ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động đối với 25% các đối tác bán lẻ của Nike và 50% các nhà máy có làm ăn với công ty.
Công ty cho biết các biện pháp ngăn chặn sự lây lan Covid-19 ở Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số bán hàng nhưng họ đã thấy nhu cầu đang phục hồi về mức trước đại dịch ở nhiều thời điểm trong quý này.
Giám đốc điều hành của Nike cho biết công ty kỳ vọng tình hình sản xuất sẽ được cải thiện. Công ty dự báo tăng trưởng sẽ ở mức thấp hơn một con số trong quý 3 do tác động từ gián đoạn sản xuất, nhất là dịch bệnh ở Việt Nam. Lệnh phong tỏa tại Việt Nam khiến Nike phải ngưng sản xuất khoảng 130 triệu sản phẩm.
Giám đốc Tài chính Matthew Friend cho biết : "So với 90 ngày trước, chúng tôi ngày càng tự tin nguồn cung sẽ bình thường trở lại vào năm tài chính 2023”. Ông Friend còn cho biết tất cả các nhà máy ở Việt Nam đều đã hoạt động trở lại và sản lượng đã đạt khoảng 80% so với thời điểm trước khi phong toả.
Hơn một nửa số giày dép của Nike và khoảng 1/3 sản phẩm may mặc của họ được sản xuất tại Việt Nam.
Lãi ròng của Nike trong từ đầu quý 4 đến cuối tháng 11 là 1.3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 83 xu/cp, vượt dự báo từ các nhà phân tích.
Doanh thu bán hàng trực tiếp tăng 9% lên 4.7 tỷ USD. Doanh số bán hàng trực tuyến vọt 12%.
Với sự lây lan nhanh chóng biến thể Omicron trên toàn thế giới, có nhiều lo ngại về việc đóng cửa cảng biển hoặc nhà máy có thể ảnh hưởng đến lịch trình sản xuất hoặc vận chuyển. Một số quốc gia đang áp đặt các biện pháp kiểm soát để làm giảm số ca nhiễm.
"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi biến chủng mới chặt chẽ ", ông Friend nói về biến thể Omicron. Ông cho biết với nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của Nike, ông tin rằng dự báo của công ty phản ánh những gì họ nhận thấy trong trung hạn.
Vào tuần trước, Nike đã mua lại Rtfkt, một công ty khởi nghiệp tạo ra NFT liên quan đến giày thể thao và các bộ sưu tập khác. Công ty không tiết lộ chi tiết của thỏa thuận. Nike gần đây cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho thấy họ muốn bán các NFTs của giày thể thao, quần áo và các sản phẩm khác được đóng dấu logo “Swoosh”.
Các nhà phân tích cho rằng những động thái này nói lên tham vọng của công ty trong việc nhanh chóng gia nhập thị trường hàng hóa ảo và phản ánh sự tăng tốc của chiến lược kỹ thuật số. Nó cũng có thể giúp Nike vượt qua cuộc khủng hoảng nguồn cung. Đối thủ cạnh tranh Adidas (DE:ADSGN) AG đã ra mắt một bộ sưu tập NFTs vào tuần trước và thu về khoảng 23 triệu USD.
An Trần (theo WSJ)