Vietstock - Đang xảy ra một trong những làn sóng chuyển dịch tài sản lớn nhất trong lịch sử vì Covid-19?
Đại dịch Covid-19 và các biện pháp kiểm soát đi kèm đã tạo điều kiện cho “một trong những đợt chuyển dịch tài sản lớn nhất trong lịch sử”, ông Jim Cramer của CNBC cho biết trong ngày thứ Năm (04/06).
Thị trường chứng khoán đang trên đà tăng mạnh khi các doanh nghiệp lớn bắt đầu gượng dậy sau khi lệnh cấm các hoạt động không thiết yếu được gỡ bỏ, trong khi các doanh nghiệp nhỏ đang rơi rụng, vị host của chương trình “Mad Money” cho hay.
“Các doanh nghiệp quy mô càng lớn, thì tác động đến chỉ số chứng khoán càng mạnh. Điều này thật sự quan trọng vì đây là đợt suy thoái đầu tiên mà các doanh nghiệp lớn đi qua mà không hề trầy sướt gì”, ông nói thêm.
Những nhận định trên được đưa ra sau khi Phố Wall đứt mạch tăng 4 phiên liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 hạ 0.3% xuống 3,112.35 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.7% xuống 9,615.81 điểm. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên trong 5 phiên của cả 2 chỉ số này. Chỉ số Dow Jones khép phiên ngay trên mức hòa vốn, nhích 11 điểm (tương đương 0.1%) lên 26,281.82 điểm.
Nhà đầu tư đang phản ứng với dữ liệu kinh tế tệ hơn dự báo trước thềm báo cáo việc làm tháng 5 – dự kiến công bố vào ngày 05/06, giờ Mỹ. Trong ngày thứ Năm (04/06), Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng người Mỹ xin đơn trợ cấp thất nghiệp ở mức 1.877 triệu người, trong khi các chuyên gia dự báo ở mức 1.775 triệu người.
Bất chấp những tai ương kinh tế hiện tại, chỉ số S&P 500 – bao gồm 500 công ty vốn hóa lớn nhất nước Mỹ - đã sắp cán mức hồi đầu năm 2020. Kể từ khi chạm đáy gần 2,191 điểm trong tháng 3/2020, chỉ số tăng khoảng 42%.
Chỉ số Nasdaq 100 – vốn bao gồm 100 công ty phi tài chính lớn nhất – đã xóa sạch đà giảm kể từ khi dịch Covid-19 ập đến và thiết lập kỷ lục mới trong ngày thứ Năm (04/06). Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào đà phục hồi kinh tế hình chữ V, ông Cramer cho hay.
“Chúng ta đang chứng kiến đà phục hồi theo hình chữ V trên thị trường chứng khoán và điều đó gần như chẳng hề liên quan đến đà phục hồi kinh tế theo hình chữ V”, ông nói.
Nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ thoát hiểm, Chính phủ Mỹ cần phải thông qua thêm một gói kích thích, khi mà các lệnh giãn cách xã hội vẫn còn được triển khai, ông nói thêm. Hôm thứ Năm (04/06), Viện Phá sản Mỹ (ABI) cho biết các vụ phá sản theo Chương 11 đã tăng 48% trong tháng 5/2020 so với cùng kỳ năm trước.
“Thế nhưng, vụ phá sản lớn duy nhất mà chúng ta chứng kiến trên thị trường chứng khoán là Hertz”, ông Cramer cho biết.
Vị chuyên gia này nhận định, đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, những tác động của Covid-19 đến hoạt động kinh tế toàn cầu còn khủng khiếp hơn nhiều.
Trong ngày thứ Tư (03/06), Thượng viện Mỹ đã gửi một dự luật tới bàn của Tổng thống Donald Trump, trong đó nới lỏng quy định về cách các doanh nghiệp sử dụng vốn cứu trợ theo Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP).
“Các công ty nhận được tiền cứu trợ đã có cơ hội lớn để xoay chuyển tình hình. Thế nhưng, xét cho cùng, gói kích thích này cũng sẽ không đủ”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)