Vietstock - Giá vàng ngày 24.2.2022: Nhảy vọt sau một đêm, lập kỷ lục 64,25 triệu đồng/lượng
Giá vàng sáng 24.2 bật tăng mạnh trên thị trường thế giới và đẩy vàng miếng SJC trong nước lên cao, lập mức kỷ lục mới.
Sáng nay (24.2), giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào là 63,55 triệu đồng/lượng và bán ra 64,25 triệu đồng/lượng. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay của giá vàng trong nước. So với cuối ngày hôm qua, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 250.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC tăng thêm 100.000 đồng, lên mức 700.000 đồng/lượng. Còn vàng nhẫn SJC loại 99,999 từ 1 - 2 chỉ được mua vào 54,35 triệu đồng/lượng và bán ra 55,05 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng so với hôm qua. Mức chênh lệch mua bán của vàng nhẫn SJC được duy trì ở mức 700.000 đồng/lượng. Tại ngân hàng Eximbank (HM:EIB), vàng miếng SJC được mua vào 63,6 triệu đồng/lượng và bán ra 64 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng so với hôm qua.
Giá vàng SJC xác lập mức 64 triệu đồng/lượng sáng 24.2. Độc Lập |
Giá vàng thế giới đầu ngày lên 1.913,2 USD/ounce, cộng thêm hơn 21 USD so với cuối ngày hôm qua. Quy đổi tương đương, vàng thế giới có giá 53 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC cao hơn thế giới 11,25 triệu đồng/lượng.
Vàng đã tăng giá mạnh trong mấy tuần gần đây và có lúc đạt đỉnh của gần 9 tháng khi nhà đầu tư gom mạnh kim loại quý để phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Ukraine đã ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu công dân của họ ở Nga rời khỏi quốc gia này, trong khi báo cáo về các cuộc tấn công mạng vào một số trang web của chính phủ đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Mỹ và các đồng minh đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga do nước này công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Mặc dù đứng trước khả năng lạm phát tăng cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3 tới khiến kim loại quý khó tăng mạnh. Thị trường có thể không biến động theo một đường thẳng, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn giữ quan điểm rằng khi nào căng thẳng chính trị vẫn chưa hạ nhiệt thì động lực đi lên của vàng được giữ nguyên. Giám đốc điều hành Heraeus Precious Metals, André Christi, phát biểu trên Reuters rằng vàng vẫn là tài sản an toàn và bảo đảm trước những rủi ro địa chính trị và nguy cơ lạm phát cao kéo dài cũng là yếu tố tích cực đối với vàng.
An Yến