Vietstock - Có thể vừa tăng thanh khoản tiền đồng vừa giữ ổn định tỷ giá?
Việc bơm thêm tiền đồng nhằm gia tăng thanh khoản cho hệ thống thông qua mua ngoại tệ khiến cung ngoại tệ lưu thông trên thị trường giảm xuống, do đó càng gây thách thức lên việc ổn định tỷ giá.
* Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm giá mua USD
Mua ngoại tệ, bơm tiền đồng liệu có giảm được lãi suất?
Sau đợt giảm một loạt lãi suất điều hành vào tháng 7/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất dường như vẫn đứng yên, thậm chí còn nhích lên nhẹ, trái với kỳ vọng của nhà điều hành, khiến định hướng giảm thêm lãi suất cho vay của Chính phủ càng thêm khó. Vì vậy, vào giữa tháng 10 vừa qua, NHNN đã bơm thêm thanh khoản tiền đồng vào hệ thống thông qua kênh mua ngoại tệ.
Cụ thể, NHNN giảm giá mua USD liên tiếp trong ba ngày 10,11 và 12/10 đã thúc đẩy các NHTM bán mạnh ngoại tệ cho NHNN do lo ngại tỷ giá có thể giảm thêm, nhất là khi các NHTM đã duy trì trạng thái ngoại tệ dương khá lớn trong những tháng gần đây. Một số thông tin cho thấy, lượng ngoại tệ các NHTM bán lại cho NHNN hơn 1 tỷ USD trong thời gian ngắn, góp phần tăng thêm lượng dự trữ ngoại hối vốn đã tăng 6 tỷ USD so với đầu năm nay.
Việc tăng thanh khoản tiền đồng cho hệ thống là nhằm mục tiêu giúp lãi suất cho vay có thêm điều kiện giảm xuống mà không cần phải hạ lãi suất điều hành, tuy nhiên thực tế lượng thanh khoản tăng thêm này không là bao so với nhu cầu vốn để đẩy tín dụng đạt mục tiêu 21% trong năm nay. Thống kê cho thấy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% thì hệ thống ngân hàng cần phải cho vay hơn 486 ngàn tỷ đồng, tức hơn 21.6 tỷ USD trong 3 tháng còn lại của năm nay.
Vừa tăng thanh khoản tiền đồng vừa giữ ổn định tỷ giá?
Nhà điều hành khó có thể vừa tăng thanh khoản tiền đồng thông qua kênh mua ngoại tệ mà vừa ổn định được tỷ giá theo mục tiêu đề ra, do việc NHNN mua vào ngoại tệ sẽ rút một lượng ngoại tệ đang lưu thông ra khỏi thị trường, càng gây áp lực lên cân đối cung cầu ngoại tệ. Đặc biệt trong bối cảnh theo quy định của Thông tư 31/2016/TT-NHNN thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hết hạn vay ngoại tệ vào cuối năm nay, trong khi tăng trưởng dư nợ ngoại tệ theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đến cuối tháng 9 đã là 12.9%, do đó nhu cầu ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay vào cuối năm nay là khá lớn.
Có thể thấy rằng, mục tiêu vừa tăng thanh khoản tiền đồng để giảm lãi suất cho vay vừa giữ ổn định tỷ giá là rất thách thức, do khi mua ngoại tệ vào thì thanh khoản tiền đồng tăng lên nhưng gây áp lực lên cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường, khiến tỷ giá có thể thêm căng thẳng. Khi đó buộc NHNN phải bán ra ngoại tệ để cân bằng lại và hạ nhiệt thị trường ngoại hối, nhưng cũng đồng nghĩa với việc một lượng thanh khoản tiền đồng sẽ bị rút ra khỏi hệ thống. |
Đáng lưu ý, tỷ giá trung tâm của NHNN sau giai đoạn giảm đáng kể trong tuần thứ 2 của tháng 10, thì đã tăng nhanh trở lại trong 2 ngày đầu tuần này. Cụ thể sau khi ghi nhận mức giảm cao nhất ở 19 đồng so với tháng trước vào hôm 16/10, thì hiện tại chỉ còn giảm 1 đồng. Song song đó là tỷ giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN cũng tăng trở lại theo xu hướng của tỷ giá trung tâm. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do cũng có dấu hiệu tăng nhanh trong những ngày cuối tuần qua, cụ thể cả chiều mua vào và bán ra đã tăng thêm 30 đồng trong 3 ngày 20, 21 và 22/10.
Nếu tỷ giá chịu áp lực trở lại, NHNN có thể phải can thiệp thị trường để sớm bình ổn bằng cách bán ngoại tệ trở lại, khi đó một lượng thanh khoản tiền đồng sẽ bị hút trở lại tương ứng. Trả lời Bloomberg bên lề hội nghị các Bộ trưởng tài chính tại Hội An vào ngày 21/10, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN cho biết, với dự trữ ngoại hối hiện ở mức cao 45 tỷ USD thì NHNN tin rằng có thể giữ tỷ giá ở mức ổn định do có thể can thiệp để ổn định thị trường tiền tệ khi cần thiết.
Như vậy, có thể thấy rằng mục tiêu vừa tăng thanh khoản tiền đồng để giảm lãi suất cho vay vừa giữ ổn định tỷ giá là rất thách thức, do khi mua ngoại tệ vào thì thanh khoản tiền đồng tăng lên nhưng gây áp lực lên cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường, khiến tỷ giá có thể thêm căng thẳng, khi đó buộc NHNN phải bán ra ngoại tệ để cân bằng lại và hạ nhiệt thị trường ngoại hối, nhưng cũng đồng nghĩa với việc một lượng thanh khoản tiền đồng sẽ bị rút ra khỏi hệ thống.
Và những lựa chọn khác
Nếu lựa chọn hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua kênh thị trường mở thì có thể không gây áp lực lên tỷ giá, tuy nhiên lượng vốn này thường chỉ ngắn hạn và số lượng không đáng kể, do đó chủ yếu cũng chỉ đáp ứng các nhu cầu trong ngắn hạn của TCTD chứ khó có thể sử dụng để tăng trưởng tín dụng thường có kỳ hạn dài hơn rất nhiều.
NHNN cũng có thể cân nhắc giải pháp tiếp tục hạ thêm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu hoặc lãi suất trên OMO, với kỳ vọng sẽ lan tỏa qua thị trường 1. Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến lãi suất từ đợt giảm hồi tháng 7 cho đến nay thì hiệu quả của giải pháp này dường như chưa thật sự rõ ràng.
Với lạm phát gần đây có xu hướng đi lên trở lại và năm nay có thể đạt mục tiêu 4%, thì việc hạ thêm lãi suất huy động trong thời điểm này không phải là điều dễ dàng. Nhất là càng về cuối năm thì các vấn đề như thanh khoản và tỷ giá càng thêm căng thẳng và gây áp lực lên hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN còn có thêm một công cụ khác là cân nhắc giảm dự trữ bắt buộc VNĐ, vốn đã được duy trì suốt từ tháng 3/2009 cho đến nay.
Ngoài ra, nếu NHNN không gia hạn thêm hoạt động cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì một lượng vốn vay ngoại tệ sẽ phải được hoàn trả trước khi kết thúc năm nay, khi đó lượng vốn hữu dụng của các ngân hàng tất yếu sẽ tăng lên và nhờ đó cũng giảm áp lực lên hoạt động huy động vốn trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Phan Thụy