Theo Người phát ngôn Điện Kremly Dmitry Peskov, Nga đã chuẩn bị trước cho việc các nước G7, EU áp mức giá trần đối với dầu mỏ của nước này và sẽ có các biện pháp đáp trả. Bắt đầu từ hôm nay (5/12), Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Australia sẽ chính thức áp giá trần với dầu nhập khẩu bằng đường biển của Nga. Mức giá cuối cùng được thông qua là 60 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn so với con số giá đề xuất trước đó từ 65 - 70 USD/thùng.
Hiện giá dầu Brent và WTI đang giao dịch lần lượt khoảng 85 và 80 USD/thùng. Còn dầu của Nga sẽ chỉ được bán bằng hoặc thấp hơn 60 USD. Điều này cho thấy quyết tâm của phương Tây trong việc hạn chế nguồn thu từ bán dầu của Nga trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao suốt thời gian qua.
Theo thỏa thuận được công bố, phương Tây sẽ giữ cho giá trần đối với dầu mỏ Nga thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%. Các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần tiếp theo vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng 1 lần. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày sẽ được áp dụng đối với những tàu nhận đầu của Nga trước ngày 5/12 và sẽ được giao tại điểm cuối trước ngày 19/1 năm sau.
Ngành bảo hiểm đường biển - át chủ bài kiểm soát giá trần Câu hỏi nhiều người đặt ra nhất lúc này là: Quyết định áp giá trần với dầu Nga liệu sẽ tác động như thế nào tới thị trường năng lượng? Bởi ngoài EU, G7 và Australia, quốc gia nào sẽ tuân thủ mức giá trần khi mua dầu của Nga?
Nga vẫn có thể bán dầu như bình thường, miễn là mức giá không được quá 60 USD. Thị trường dầu khi đó sẽ vẫn lưu thông, không bị thiết hụt gì.
Tuy nhiên, các nước phương Tây lại đang cho là đang nắm giữ quân cờ mà các nền kinh tế muốn mua dầu của Nga buộc phải tuân thủ lệnh áp giá trần.
90% các công ty bảo hiểm trên đường biển hiện nay đều đang thuộc các nước châu Âu như Anh, Luxembourg, Thụy Điển. Nếu vận chuyển đường biển không có bảo hiểm thì rất rủi ro và thường là yêu cầu không thể thiếu của loại hình vận tải này. Do vậy, các nước phương Tây có thể kiểm soát giá dầu được bán thông qua các hợp đồng vận chuyển với dầu từ Nga.
Lệnh áp giá trần dầu Nga còn nhiều lỗ hổng Tuy nhiên báo chí quốc tế đã ngay lập tức chỉ là nhiều kẽ hở từ lệnh cấm vận này. Từ Trung Đông - nơi được xem là giếng dầu của thế giới, tờ Arab News chỉ ra, để phương Tây thực sự kiểm soát được việc xuất dầu của Nga trên biển là chẳng dễ dàng gì.
Bài báo viết Nga có thể bán dầu ngoài sổ sách bằng cách sử dụng các tàu chở dầu thuộc "hạm đội bóng đêm". Dầu Nga có thể được chuyển từ tàu này sang tài khác và được trộn lẫn vào dầu của các nước, từ đó lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngay tại châu Âu, một trang báo độc lập cũng đã có những dẫn chứng đáng chú ý. Báo này dẫn số liệu từ tạp chí vận tải TradeWinds có trụ sở tại London, trong một bài xuất bản ngày 3/12 cho biết, kể từ đầu năm xuất hiện tình trạng các tàu chờ dầu rút đăng ký hoạt động tại Malta, Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp. Đây là những nước có ngành công nghiệp vận tải biển phát triển hàng đầu châu Âu.
Cơ quan đăng ký của Cyprus thông báo, hơn 1/5 số tàu chở dầu cũng đã rút đăng ký. Bài viết cũng đã đặt dấu hỏi liệu số tàu chở dầu này có đang gia nhập cái gọi là "hạm đội bóng đêm".
Phản ứng của Nga đối với chính sách áp giá trần Vậy liệu Nga có đang xây dựng 1 hạm đội bóng đêm để chuyên chờ dầu như báo chí đưa và phản ứng của Nga trước việc phương Tây sẽ áp giá trần dầu của Nga từ hôm nay là gì?
Moscow không chấp nhận. Theo Người phát ngôn Điện Kremly Dmitry Peskov, Nga đã chuẩn bị trước cho việc các nước G7, Liên minh châu Âu áp dụng mức giá trần đối với dầu mỏ của nước này và sẽ có các biện pháp đáp trả.
Bộ Tài chính Nga ngày 1/12 thông báo, giá dầu Ural trung bình trong tháng 11 là khoảng 66,5 USD/thùng, thấp hơn 16,5% so cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Stanislav Mitrakhovich, chuyên gia hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, việc Nga mở rộng đội tàu chở dầu thô lớn, mà báo chí Phương Tây gọi là "hạm đội bóng đêm", đã có tính toán cho tình huống xấu nhất. Đội tàu này có thể chuyên chở khối lượng năng lượng ngày càng tăng cho các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ vốn không chịu lệnh trừng phạt của EU hoặc Mỹ và các hạn chế thương mại khác.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang đối phó bằng cách củng cố công ty bảo hiểm hàng hải của riêng mình để tránh các biện pháp trừng phạt của EU một cách hiệu quả.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak từng cảnh báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp những tác động tiêu cực từ việc áp giá trần của phương Tây. Theo đó, sản lượng dầu của Nga trong năm nay ước tính đạt 530 triệu tấn và sẽ giảm xuống 490 triệu tấn vào năm 2023.
Để đánh giá những tác động tới thị trường năng lượng trong thời gian tới vẫn sẽ cần thời gian, bởi hôm nay phương Tây mới chỉ áp giá trần với dầu mỏ của Nga bằng đường biển. Còn những sản phẩm chế biến từ dầu như xăng hay dầu diesel, lệnh cấm sẽ chỉ được áp dụng từ 5/2 năm sau.