Vietstock - Để nông nghiệp hữu cơ không chỉ dành cho người giàu
Diện tích canh tác sản phẩm hữu cơ đã tăng nhanh chóng trong những năm qua và ngày càng có nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực tiềm năng này. Song, nhiều ý kiến cho rằng, nông nghiệp hữu cơ không thể làm theo phong trào mà phải cân đối trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an ninh lương thực hiện nay.
Giá trị thương mại của thị trường nộn sản hữu cơ toàn cầu là gần 100 tỉ đô la Mỹ. Ảnh minh họa: Reuters
|
Tại diễn đàn quốc tế "Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập" diễn ra hôm 16-12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nộng nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong thời gian qua diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã tăng đáng kể, đạt 70.000 héc ta năm 2015, cao gấp 3,6 lần so với năm 2010. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ sang lĩnh vực này do nhận thấy được tiềm năng thị trường khi thu nhập người dân ngày càng tăng cao, nhận thức về sản phẩm sạch, an toàn cũng cải thiện.
Nhu cầu cao từ thị trường
Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty Kantar World Panel, thị trường thực phẩm và đồ uống hữu cơ toàn cầu được mong đợi sẽ tăng tốc mạnh dù thị phần hiện nay còn nhỏ, mới chỉ khoảng 4% doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống toàn cầu. Cụ thể, năm 2015, doanh thu của ngành này chỉ khoảng 81,6 tỉ đô la Mỹ nhưng đến năm 2020 có thể lên tới 110 tỉ đô la Mỹ, tức tăng gần 35% trong 5 năm.
Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là 3 thị trường hữu cơ phát triển nhất, trong đó Mỹ chiếm gần 50% doanh thu sản phẩm hữu cơ toàn cầu. Tại những thị trường này, người tiêu dùng những sản phẩm hữu cơ chủ yếu là những người có thu nhập cao.
Ở Việt Nam, các sản phẩm hữu cơ vẫn còn mới mẻ với người tiêu dùng, dù vậy, theo ông Hoàng, thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển vào những năm tới nhờ sự hiện diện của các sản phẩm nội địa và nhập khẩu.
Tiềm năng thị trường nông sản hữu cơ lớn nhưng để mở rộng diện tích và tăng sản lượng sản phẩm này còn gặp nhiều thách thức. Theo Bộ trưởng Cường, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường chưa ổn định. Bên cạnh đó, một số ít doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế, sản xuất hữu cơ của nhiều hộ nông dân dựa trên cơ sở tự nguyện, chưa có tổ chức chứng nhận và chưa được các tổ chức hữu cơ thế giới thừa nhận.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm nên lòng tin của người tiêu dùng chưa đảm bảo.
Thực phẩm sạch dành cho số đông
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ phục vụ người giàu mà toàn dân phải được sử dụng loại sản phẩm này. Theo ông, nhu cầu tiêu dùng trong nước về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất phát triển. Từ đó, cần có sự chia sẻ những kinh nghiệm, nhận thức về sản phẩm hữu cơ, nhận diện khó khăn thách thức cơ chế, thể chế trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay. "Điều đó đề ra phương hướng để đề xuất Chính phủ chỉ đạo rõ hơn, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong nông nghiệp hữu cơ", Thủ tướng cho hay.
Theo ông, một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới cũng là yêu cầu lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Việt Nam.
Về định hướng, người đứng đầu Chính phủ khẳng định phải có nhận thức đúng đắn về nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh ưu điểm và ý nghĩa nổi trội của nông nghiệp hữu cơ thì nông nghiệp phi hữu cơ, với năng suất cao trong nhiều năm tới vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, không thể xem nhẹ.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất dựa trên các yếu tố môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường, duy trì và bảo vệ hệ sinh thái bền vững tạo ra sản phẩm bổ dưỡng cho nhu cầu con người. Sản xuất và sử dụng sản phẩm hữu cơ đang là xu thế phát triển. |
Nhất trí với các đại biểu về một số nút thắt cần tháo gỡ, như cơ chế chính sách, vấn đề hạn điền, nguồn nhân lực kỹ thuật, Thủ tướng cho biết sẽ ban hành nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ và bộ nông nghiệp sẽ có đề án về vấn đề này để làm bài bản, hệ thống hơn, chứ không phải trăm hoa đua nở. Cùng với đó, sẽ thay thế Nghị định 210 về đầu tư trong nông nghiệp.
“Tất cả thể chế, chính sách, đặc biệt nghị định, thông tư trong phạm vi của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp thu để làm nhanh hơn, tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh, và nói thêm rằng không thể một vườn hai loại rau, một chuồng nuôi hai loại khác nhau, mà điều quan trọng là tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân sản xuất an toàn.
Thùy Dung