Vietstock - Doanh nghiệp mía đường sẽ “chết yểu”?
Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được báo trước với ngành mía đường cách đây nhiều năm nhưng mức độ ảnh hưởng lại khốc liệt liệt hơn dự tính.
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Theo đó, Việt Nam sẽ xoá bỏ hạn ngạch thuế quan nội khối đối với sản phẩm đường, đồng thời, giảm thuế suất nhập khẩu xuống chỉ còn 5%.
Kho hàng của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Mạnh Linh
|
Sức ép từ đối thủ láng giềng
Chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Cần Thơ cho biết, do 10.000 tấn đường tồn kho từ năm 2016, cộng thêm với 15.000 tấn đường niên vụ mới vẫn “đóng băng”, hiện Công ty CP mía đường Cần Thơ đã phải thu mua mía nguyên liệu “chịu tiền” nông dân. Bởi tổng lượng đường tồn kho lên tới 25.000 tấn không bán được để xoay vòng vốn thu mua nguyên liệu.
“Doanh nghiệp đã vay vốn hết hạn mức từ các ngân hàng nhưng 2 nhà máy đã đi vào niên vụ sản xuất thì không thể dừng được. Cùng với đó, đường tồn kho dù giá đã ngang bằng giá đường nhập lậu, nhưng không bán được, nên phải mua mía mà nợ tiền nông dân. Đến nay, số tiền nợ đọng mua mía từ nông dân đã lên tới 60 tỷ đồng. Đây là điều chưa từng có trong suốt 22 năm hoạt động của doanh nghiệp”, ông Vinh nói.
Không phải là câu chuyện riêng của Cty Mía đường Cần Thơ, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ mía đường 2017-2018 đã bắt đầu vào vụ sản xuất, với 4 nhà máy đường đã hoạt động, sản xuất được 20.000 tấn đường vụ mới. Thế nhưng, dù giá đường tinh luyện tại hàng loạt các nhà máy trong nước đã giảm xuống "đáy" với mức 12.500 đồng/1kg, mức thấp nhất trong 2 năm qua, nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm, chỉ ở mức 5.000 - 7.000 tấn. Thêm vào đó là 300.000 tấn đường tồn từ niên vụ trước.
Ông Hà Hữu Phái - Chuyên gia mía đường cho biết, việc đường của niên vụ mới 2017 “đóng băng” có nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, cơ sở cần sử dụng đường và các thương nhân kinh doanh đường đồng loạt ngừng mua hàng vì tâm lý chờ đợi thêm hơn 1 tháng nữa, khi đầu năm 2018, Việt Nam chính thức thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), khi đó hạn ngạch sẽ được xoá bỏ cho đường các nước tràn vào, mà đặc biệt là đường Thái Lan với mức thuế suất chỉ 5%. Ngoài ra, tình trạng báo động của đường nhập lậu trong năm 2017 lên tới trên 500.000 tấn, gần như công khai, nhiều nơi bán nguyên đường nhập lậu mang bao bì Thái Lan.
“Thái Lan là nước đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất đường với sản lượng 11triệu tấn/năm, gấp 10 lần sản lượng đường của Việt Nam. Đặc biệt, đây là quốc gia có nhiều chính sách bảo hộ đáng kể ngành đường, giá thành đường của nước này thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với đường Việt Nam”, ông Phái lo ngại.
Trong khi đó, Việt Nam là nước chi phí sản xuất nguyên liệu mía rất cao. Tổ chức sản xuất manh mún, dẫn tới giá nguyên liệu đầu vào cao. Giá mía nguyên liệu của Việt Nam hiện đang cao hơn 30-40% so với giá mía nguyên liệu của Thái Lan.
2/3 nhà máy nguy cơ phá sản
Mặc dù, năm 2018 Hiệp định ATIGA mới có hiệu lực nhưng doanh nghiệp và nông dân ngành mía đường Việt Nam đã điêu đứng. Nói như chuyên gia mía đường Hà Hữu Phái: “Khi ATIGA có hiệu lực, nhiều nhà máy sản xuất mía đường trong nước, nhất là các nhà máy có công suất nhỏ, sẽ có nguy cơ "đắp chiếu" bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi”.
Bởi theo tính toán, khi thực hiện mở cửa hội nhập theo các cam kết với WTO và ASEAN, để các nhà máy đường có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các nhà máy cần có công suất ép từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên, nhưng cả nước mới có 8 nhà máy đạt được công suất này, 11 nhà máy công suất 3.000 tấn mía/ngày.
Điều đáng nói, có đến 2/3 số nhà máy, tương đương 22 nhà máy công suất dưới 3000 tấn mía/ngày có khả năng phải đóng cửa vì thua lỗ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống việc làm, thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía với 38 vạn lao động và 10 vạn công nhân trong các nhà máy đường.
Cùng với đó, giá đường thế giới còn đang trên đà xuống, dự báo chu kỳ xuống sẽ giống năm 1999-2000, giá bán thấp dưới giá thành. Như vậy, đây sẽ là thách thức cạnh tranh vô cùng gay gắt với các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước với doanh nghiệp ngoại.
Mặc dù, Chính phủ đã có những Quyết định hỗ trợ tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, những chính sách hiện vẫn được cho là còn rời rạc, chưa có chiến lược tổng thể mà chi tiết cho từng khâu nguyên liệu, đầu ra.
Ông Phạm Quang Vinh kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng kế hoạch phát triển ngành bài bản với những thay đổi chiến lược về hành lang pháp lý, chính sách đối với ngành mía đường để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực, xây dựng sản phẩm đường của Việt Nam.
“Nhà nước có thể có lộ trình mở cửa hạn ngạch 5-10% mỗi năm và công khai để doanh nghiệp và người dân thích ứng, đánh giá và có phương án thay đổi sản xuất phù hợp. Cùng với đó có chính sách hỗ trợ giá điện sinh khối cho các nhà máy. Cây mía vẫn có thể trở thành cây làm giàu cho nông dân Việt”, ông Vinh nói.
Thy Hằng