Vietstock - Dầu tăng 1.5% khi dự trữ tại Mỹ giảm mạnh
Giá dầu tăng khoảng 1.5% vào ngày thứ Tư (17/8) sau khi chạm đáy 6 tháng, nhờ dự trữ dầu thô giảm mạnh hơn dự báo đã lấn át những lo ngại về sự gia tăng sản lượng và xuất khẩu của Nga, cũng như lo ngại về suy thoái.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa sụt 7.1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/8/2022 xuống 425 triệu thùng, mạnh hơn rất nhiều so với dự báo giảm 275,000 thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 1.31 USD (tương đương 1.42%) lên 93.65 USD/thùng. Trước đó trong phiên, những lo ngại suy thoái đã khiến giá dầu Brent rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 02/2022 là 91.51 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI cộng 1.58 USD (tương đương 1.8%) lên 88.11 USD/thùng.
Dữ liệu của EIA cũng cho thấy xuất khẩu dầu thô tại Mỹ đạt 5 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục, khi dầu WTI được giao dịch với mức chiết khấu lớn so với dầu Brent, khiến việc mua dầu thô của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nước ngoài.
Trước dấu hiệu nhu cầu mạnh mẽ, dự trữ xăng tại Mỹ sụt 4.6 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 1.1 triệu thùng.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) vào ngày thứ Ba (16/8) đã báo cáo dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 448,000 thùng và dự trữ xăng sụt 4.5 triệu thùng.
Giá dầu tăng vọt trong năm 2022, gần đạt mức cao mọi thời đại 147 USD/thùng hồi tháng 3/2022 sau cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Tuy nhiên, Nga đặt bắt đầu tăng sản lượng dầu từ từ sau sự kìm hãm liên quan đến các lệnh trừng phạt và khi người mua châu Á tăng mua hàng, khiến Moscow phải nâng dự báo về sản lượng và xuất khẩu cho đến cuối năm 2025, Reuters đưa tin.
Lợi nhuận của Nga từ việc xuất khẩu năng lượng dự kiến tăng 38% trong năm nay, một phần do khối lượng xuất khẩu dầu cao, một dấu hiệu cho thấy nguồn cung từ nước này không bị ảnh hưởng nhiều như thị trường dự báo ban đầu.
Triển vọng suy thoái cũng gây áp lực lên giá dầu gần đây. Lạm phát giá tiêu dùng tại Anh tăng lên 10.1% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982, làm gia tăng sức ép đối với các hộ gia đình, và khiến giá dầu suy giảm vào đầu phiên.
Sự rời đi của những người tham gia, đặc biệt là các quỹ đầu cơ và những nhà đầu cơ, đã làm biến động giá mỗi ngày lớn hơn nhiều so với những năm trước.
Về vấn đề nguồn cung, thị trường đang chờ đợi diễn biến từ các cuộc đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015 với các cường quốc thế giới, điều này có thể dẫn đến thúc đẩy xuất khẩu dầu của Iran.
An Trần (theo CNBC)