Vietstock - Dầu phục hồi sau báo cáo về nguồn cung và sản lượng
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ vào ngày thứ Năm, khi dữ liệu gần đây về nguồn cung và sản lượng góp phần khiến các giao dịch biến động trên thị trường năng lượng, trong đó cả giá dầu WTI lẫn giá dầu Brent đều phục hồi phần lớn đà sụt giảm của phiên trước đó, MarketWatch đưa tin.
Vào ngày thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung dầu toàn cầu vọt lên đỉnh 1 năm khi các nhà sản xuất dầu từ đá phiến tại Mỹ hoạt động trở lại, trong khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Tư cho thấy đà sụt giảm mạnh hơn dự báo của dự trữ dầu thô nội địa, cùng với đà leo dốc lên mức cao kỷ lục của sản lượng dầu thô tại Mỹ.
Trong khi đó, các hợp đồng khí thiên nhiên tương lai chạm mức thấp nhất trong phiên kể từ tháng 2/2017 khi nguồn cung khí này tại Mỹ sụt giảm và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 5 năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex tiến 44 xu (tương đương 0.8%) lên 57.04 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn cộng 87 xu (tương đương 1.4%) lên 63.31 USD/thùng, chủ yếu nhờ vào sự đóng cửa gần đây của một đường ống dẫn dầu Biển Bắc.
Tom Kloza, Giám đốc toàn cầu về phân tích năng lượng tại Oil Price Information Service, nhận định: “Dầu thường khá lộn xộn trong những tháng cuối năm. Tôi tin rằng giá dầu WTI có lẽ chạm đỉnh nhiều tháng khi dao động tại mức 59.50 USD/thùng vào hôm Black Friday, còn thị trường dầu Brent nhảy vọt vào đầu tuần này vì vấn đề của đường ống dẫn dầu Forties”.
Cũng trong ngày thứ Năm, Tập đoàn hóa chất đa quốc gia Ineos cho biết còn quá sớm để nói việc sửa chữa sẽ kéo dài trong bao lâu, sau khi phát hiện một vết nứt vào tuần trước.
Cả giá dầu WTI lẫn dầu Brent đều khởi sắc trong ngày thứ Năm trước khi báo cáo định kỳ hàng tháng của IEA cho biết nguồn cung dầu thô toàn cầu cộng 170,000 thùng/ngày trong tháng 11 lên 97.8 triệu thùng/ngày , mức cao nhất trong 1 năm, qua đó tác động tiêu cực đến nỗ lực cắt giảm để tái cân bằng thị trường của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Được biết, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC cách đây 2 tuần đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, IEA cũng cho biết sản lượng OPEC giảm 4 tháng liên tiếp, nhưng cảnh báo rằng năm 2018 có thể không quá vui vẻ đối với các nhà sản xuất OPEC, khi tăng trưởng nguồn cung có thể vượt qua tăng trưởng nhu cầu khoảng 200,000 thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm tới.
Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, chia sẻ: “Không nghi ngờ về việc các nhà sản xuất dầu từ đá phiến tại Mỹ sẽ gia tăng sản lượng trong năm tới, nhưng câu hỏi thực sự là mức độ bao nhiêu”.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 1 cộng 1.5% lên 1.671 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 nhích 0.3% lên 1.91 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 mất 3.1 xu (tương đương 1.1%) còn 2.684 USD/MMBtu, sau khi chạm mức 2.643 USD/MMBtu, mức thấp nhất trong phiên kể từ cuối tháng 2/2017.
Hợp đồng này đã giảm khi EIA cho biết nguồn cung khí thiên nhiên lao dốc 69 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 08/12/2017, cao hơn dự báo sụt 63 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng thấp hơn mức bình quân 5 năm là 78 tỷ feet khối.
An Trần