Vietstock - Cuộc họp của OPEC: Đâu sẽ là tâm điểm?
Các bộ trưởng năng lượng thuộc OPEC chuẩn bị họp mặt ở Vienna vào ngày thứ Năm (30/11) để quyết định xem có nên gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm hay không.
* OPEC sẽ ngó lơ sản lượng dầu đá phiến?
Tuy nhiên, khả năng tan vỡ liên minh giữa 2 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới – Nga và Ả-rập Xê-út – đang đe dọa đến kế hoạch của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài – dẫn đầu là Nga – được cho là sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ngày 30/11, nhưng vẫn chưa rõ là gia hạn bao lâu. Các chuyên gia phân tích tin rằng thị trường đang đặt cược là OPEC sẽ gia hạn thêm 9 tháng nữa. Nếu điều này thực sự xảy ra thì thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ tồn tại đến hết năm 2018.
Kể từ cuộc họp lần trước của OPEC trong tháng 5/2017, giá dầu Brent đã nhảy vọt gần 20%, trong khi giá dầu WTI tăng gần 10%. Đà tăng của giá dầu dường như đã hỗ trợ cho khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng – một động thái mà các chuyên gia phân tích trong ngành cho là cần thiết để xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu.
Nhà đầu tư dầu có thể dễ dàng chuyển từ trạng thái dễ chịu sang khó chịu nếu OPEC không thể truyền tải thông điệp mạnh mẽ để ủng hộ cho quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, ông Hansen cho hay. Tuy nhiên, ông cho rằng phần lớn thời gian cuộc họp sẽ xoay quanh Nga.
Một thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà không có sự tham gia của Nga thì cũng khó mà duy trì được tính hiệu quả như hiện nay, ông nhận định.
Tại sao Nga trở thành tâm điểm của cuộc họp sắp tới?
Hồi thứ Sáu tuần trước, bà Helima Croft, Trưởng Bộ phận Chiến lược Hàng hóa toàn cầu của RBC Capital Markets, cho biết nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho khả năng cuộc họp OPEC không cho ra kết quả như mong muốn. Bà nói thêm vẫn có khả năng Moscow sẽ từ chối gia hạn thỏa thuận sản lượng đến hết năm 2018.
* Có khi nào Nga phản đối gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu?
Nếu Nga không sẵn lòng ký kết để gia hạn thỏa thuận thì mọi người sợ rằng OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài sẽ gia hạn với thời gian ngắn hơn dự báo, bà Helima Croft cho hay.
Không như nhà lãnh đạo OPEC – Ả-rập Xê-út, Nga ít phụ thuộc vào mức giá dầu cao hơn, và cũng không muốn nhân nhượng quá nhiều thị phần cho đối thủ. Và khi một số mỏ dầu mới đi vào hoạt động vào năm tới, một số công ty Nga đã tỏ ra không bằng lòng với quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Trước cuộc họp ngày thứ Năm tới, Chris Weafer, đối tác cấp cao tại Macro-Advisory, cho hay nếu giá dầu nằm trong phạm vi 60-65 USD/thùng thì nhiều khả năng là Moscow sẽ không ủng hộ quyết định gia hạn thỏa thuận thêm.
Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak – một kiến trúc sư của thỏa thuận cắt giảm sản lượng – cho biết trong tháng 10/2017 rằng Moscow sẽ ủng hộ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, ông Weafer cho biết những nhận định của ông Novak đã không còn phù hợp vì lúc ông đưa ra nhận định này là khi giá dầu ở phạm vi 50-55 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak
|
Bất chấp các lo ngại liên quan đến cam kết của Moscow đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng, hãng tin Bloomberg đã ghi nhận trong ngày thứ Sáu rằng Nga và OPEC đã nhất trí về một bản phác thảo hợp đồng để gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến 2019.
Vậy còn Ả-rập Xê-út và Iran thì sao?
Tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang giữa Ả-rập Xê-út và Iran cũng tạo ra nỗi lo dai dẳng cho nhà đầu tư. Tuần trước, vị Thái tử quyền lực của Ả-rập
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích dự báo tình trạng căng thẳng giữa Ả-rập Xê-út và Iran có thể không gây ra tác động lan truyền tới cuộc họp của OPEC vào ngày thứ Năm.
Hồi giữa tháng 11/2017, Bộ trưởng Năng lượng của các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Suhail al-Mazroui, cho hay ông kỳ vọng tất cả các thành viên OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm nữa.
Vũ Hạo (Theo CNBC)