Vietstock - Cục diện mới của chứng khoán
Sau khi Công ty cổ phần Vinhomes (VHM-Hose) lên sàn, cục diện mới của chứng khoán đã hiện rõ. Với giá trị vốn hóa đứng thứ hai thị trường và có khả năng bứt phá chiếm vị thế số 1 thị trường, Vinhomes giờ đây có ảnh hưởng rõ rệt đến chỉ số. Không những thế, do gần như toàn bộ cổ phiếu có khả năng giao dịch đều nằm trong tay khối ngoại, việc thị giá cổ phiếu Vinhomes biến động ra sao hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của nhà đầu tư nước ngoài.
Trước hết, cần phải hiểu rõ vì sao khối ngoại lại đổ nhiều tiền của đến thế vào Vinhomes. Quỹ GIC của Chính phủ Singapore đã bỏ ra 1,3 tỉ đô la Mỹ vừa giải ngân vào VHM, vừa cho công ty này vay để thực hiện các dự án tiếp theo. Hiện quỹ GIC sở hữu 5,74% cổ phần Vinhomes, tương đương 153,85 triệu cổ phiếu. Các tổ chức đầu tư nước ngoài khác nắm giữ 249 triệu đơn vị, tương đương 9,3% cổ phần VHM. Tập đoàn mẹ Vingroup chiếm 69,66% vốn của Vinhomes. Như vậy khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư nội nắm giữ chừng 15%, trong số này phần lớn là các công ty, tổ chức, quỹ đóng và mở. Tổng lượng cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư nhỏ lẻ nhìn chung không nhiều. Việc giải ngân vào VHM của khối ngoại làm đảo lộn sắc thái bức tranh vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm tháng đầu năm từ bán ròng hàng trăm triệu đô la Mỹ sang mua ròng xấp xỉ 2 tỉ đô la Mỹ.
Một năm trở lại đây, giao dịch của khối ngoại ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giao dịch hàng ngày của toàn thị trường. Chiến lược của nước ngoài là bám sát VN-Index nên họ giao dịch phần lớn các blue-chips thượng hạng. Trong tháng 6 tới, khi Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) niêm yết, tổng mức mua ròng của khối ngoại sẽ còn tăng vọt do họ đã giải ngân 1,2 tỉ đô la Mỹ vào cổ phiếu Techcombank.
Việc giải ngân vào VHM của khối ngoại làm đảo lộn sắc thái bức tranh vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm tháng đầu năm từ bán ròng hàng trăm triệu đô la Mỹ sang mua ròng xấp xỉ 2 tỉ đô la Mỹ. |
Sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam nhìn từ các thương vụ mua cổ phần của khối ngoại dành cho Vinhomes, Techcombank, VietJetAir, VPBank, HDBank, Vinamilk, Sabeco không hề nhỏ. Tuy nhiên sức hấp dẫn đấy không chia đều cho tất cả các doanh nghiệp niêm yết. Khi sân chơi chứng khoán phình ra nhờ các công ty tầm cỡ chào sàn và các đợt IPO cổ phần doanh nghiệp nhà nước, vốn ngoại không còn chảy vào các doanh nghiệp quy mô nhỏ, bất chấp việc không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ăn hiệu quả. Khi thị trường được nâng hạng lên mới nổi, sự thay đổi diện mạo của vốn ngoại sẽ còn ở tầng nấc cao hơn. Vốn ngoại sẽ chọn những công ty đầu ngành, những doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối lĩnh vực ngành nghề mà chúng hoạt động. Sự tập trung tư bản khi đó sẽ hiện diện đầy đủ và sâu hơn.
Danh sách các công ty vốn hóa tốp 10 sàn Hose đã và đang tiếp tục biến động. Vincom Retail, VJC, Hòa Phát đã bị đẩy ra khỏi tốp 10. Trong phạm vi của tốp 5 hiện tại có Vingroup, Vinhomes, Vinamilk, Tổng công ty Khí, Vietcombank. Nếu Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) chuyển sàn từ UpCom lên Hose, thì ACV có khả năng gia nhập tốp 5 vì giá trị vốn hóa của ACV và VCB không chênh nhau nhiều lắm.
Các tổ chức nước ngoài đang khẳng định vai trò trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tháng sáu tới sẽ đến lượt các quỹ ETF thể hiện ảnh hưởng đến chỉ số và lần này nhiều khả năng ảnh hưởng của họ sẽ không nhạt nhòa bởi sự cơ cấu danh mục của họ đáng kể do sự xuất hiện của Vinhomes cho dù cổ phiếu VHM mới niêm yết. Các quỹ ETF có thể giao dịch phá lệ một khi họ chịu sức ép lớn từ VN-Index.
Một chú ý khác: vì Vinhomes mới lên sàn, cổ phiếu VHM chưa được nằm trong danh sách giao dịch ký quỹ (theo quy định cổ phiếu chỉ được sử dụng dịch vụ margin sớm nhất sau ngày niêm yết sáu tháng - NV). Các nhà đầu tư nội địa khi giải ngân vào VHM đều phải sử dụng tiền tươi thóc thật. Nếu là dòng tiền mới vào VHM thì không nói làm gì, song một khi là tiền dịch chuyển từ cơ cấu các cổ phiếu khác, thì mức độ cơ cấu là tương đối lớn để có nguồn giải ngân cho Vinhomes theo nhu cầu.
Nhìn từ Vinhomes, có thể thấy dòng tiền ngoại vào chứng khoán sẽ còn mạnh hơn khi các tập đoàn, tổng công ty chủ chốt của nền kinh tế cổ phần hóa, bán cổ phần ra công chúng. Động lực để cải cách doanh nghiệp quốc doanh chưa hề giảm sút và điều kiện thuận lợi vẫn đang tồn tại. Nhà nước cần đẩy nhanh việc thoái vốn cũng như đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp, từ đó nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hải Lý