[Bài cập nhật]
Vietstock - ĐHĐCĐ Sacombank: Chờ kết quả bầu nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 sáng ngày 30/06 sẽ bầu nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới, trong đó có sự tham gia của ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, người vừa từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cách đây không lâu.
Tiếp tục cập nhật…
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Sacombank tổ chức sáng 30/06.
|
Danh sách ứng viên HĐQT dự kiến bầu cho nhiệm kỳ 2017-2022 của Sacombank giảm từ 7 xuống còn 6 thành viên:
1. Ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, vừa từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt từ ngày 31/05/2017)
2. Ông Kiều Hữu Dũng (Chủ tịch HĐQT Sacombank đương nhiệm)
3. Ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank đương nhiệm)
4. Ông Nguyễn Xuân Vũ (Phó Tổng giám đốc Sacombank)
5. Ông Phạm Văn Phong (Giám đốc Vietcombank - CN Daklak)
6. Bà Lê Thị Hoa (Thành viên HĐQT độc lập)
Ông Dương Công Minh tham dự Đại hội
|
Danh sách nhân sự dự kiến cho Ban kiểm soát (BKS) không có gì thay đổi, bao gồm:
1. Ông Trần Minh Triết (Phó Giám đốc Vietcombank - CN Bình Tây)
2. Bà Lê Thị Thanh Mai (Phó BKS Sacombank đương nhiệm)
3. Ông Lê Văn Tòng (Thành viên BKS Sacombank đương nhiệm)
4. Ông Hà Tôn Trung Hạnh (Phó Tổng giám đốc Sacombank)
Do trước đó có ứng viên xin rút tên khỏi danh sách bầu HĐQT nên danh sách nhân sự NHNN đã thông qua giảm xuống còn 6 thành viên, HĐQT sẽ trình cổ đông bầu bổ sung thành viên HĐQT sau đó. Được biết, thành viên rút tên khỏi danh sách ứng viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Cựu.
Ông Nguyễn Văn Cựu sinh năm 1972, là Thành viên HĐQT độc lập của Sacombank từ năm 2013 và hiện cũng đang tham gia HĐQT tại nhiều công ty. Ông là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán BETA và CTCP Sản xuất thương mại Dịch vụ Ô tô Nam Việt, Thành viên HĐTV Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Ý Mỹ và CTCP Đầu tư Quốc tế C.S.Q. Trước đó ông cũng đã có 5 năm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT VietCapitalBank.
Kế hoạch lãi trước thuế 2017 đạt 585 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1%
Ngân hàng trình cổ đông tái xác nhận chủ trương lập các công ty trong giai đoạn 2017-2020 gồm Công ty tài chính trực thuộc Sacombank với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh đối tác nước ngoài với vốn góp 500 tỷ, mua lại hoặc lập mới Công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư 300 tỷ đồng.
Sacombank cũng đặt mục tiêu đảm bảo trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi sáp nhập sẽ đưa thu lãi thuần quay trở về mức như trước khi sáp nhập, nhằm tích tụ tài chính để có nguồn xử lý dần các tài sản tồn đọng đã bị suy giảm giá trị/không còn khả năng thu hồi.
Năm 2017, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, tăng 276% so với thực hiện năm 2016; tỷ lệ nợ xấu 1%. Tổng tài sản dự kiến tăng 16% lên 384,600 tỷ đồng. Huy động vốn, dư nợ tín dụng kế hoạch lần lượt tăng trưởng 17% và 19%, đạt 356,100 tỷ và 235,500 tỷ đồng.
Sacombank cho biết có thể xử lý được nợ xấu với điều kiện có thời gian và cơ chế hỗ trợ, phương án thận trọng Sacombank trình NHNN phê duyệt là 10 năm (từ 2015 đến 2025). Tuy nhiên, nội bộ Ngân hàng đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề cơ bản xuống còn 3-5 năm. Các vấn đề chính của đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt cho Sacombank là khoanh lãi dự thu từ 2015, trích lập dự phòng và bán nợ cho VAMC, xử lý tài sản cấn trừ nợ và được phân bổ theo năng lực tài chính của Ngân hàng.
Giai đoạn 2011-2015 Sacombank có tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn ngành, tổng tài sản tăng bình quân 12.4%/năm, tổng huy động tăng 15.6%/năm, tổng tín dụng tăng 16.7%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 8%/năm. Trong năm 2016, Ngân hàng đạt lợi nhuận 156 tỷ đồng.