Vietstock - Nợ công năm nay hơn 3,1 triệu tỷ đồng
Tỷ lệ nợ công đến cuối năm nay khoảng 62,6% GDP và lên 63,9% GDP vào năm 2018, theo báo cáo của Chính phủ.
Báo cáo về tình hình nợ công vừa được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV cho biết, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Con số này giảm 1% so với cách đây một năm. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối thì dư nợ công năm nay lại tăng 0,27 triệu tỷ đồng.
Chính phủ cũng cho biết, đến hết năm 2017 nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng (51,8% GDP) và nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 498.000 tỷ đồng, nợ địa phương 39.600 tỷ.
"Dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ trong nước, nước ngoài nhưng với hệ số thanh toán trả nợ nói trên là khá cao, đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của ngân sách Nhà nước", báo cáo Chính phủ nêu.
Nợ công cuối năm 2017 trên 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 0,27 triệu tỷ so với năm 2016.
|
Cũng theo báo cáo, năm 2018 Chính phủ dự kiến vay mới để trả nợ gốc khoảng 146.770 tỷ đồng, vay nước ngoài về cho vay lại 40.000 tỷ và vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương khoảng 195.000 tỷ... Cùng với đó, dự kiến vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương gần 11.150 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là gần 10.000 tỷ.
Trên cơ sở kế hoạch này, nợ công năm 2018 sẽ ở mức khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ 52,5% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 47,6% GDP.
Để quản lý nợ công, Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ chi tiêu, cân đối thu - chi ngân sách, cũng như huy động vốn ngân sách cho đầu tư phát triển và chỉ vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Nhà điều hành cũng cam kết khống chế hạn mức vay thương mại trung và dài hạn của doanh nghiệp hàng năm tối đa là 5,5 tỷ USD, mức độ tăng tối đa hàng năm của dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 8-10%.
Liên quan tới nợ công, tại phiên thảo luận ở tổ chiều 24/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, thời điểm này chúng tôi thấy nhẹ nhàng hơn nhiều so với 2-3 năm trước, dù quy mô tăng nhưng áp lực giảm.
"Việc cơ cấu lại nợ công đang đi đúng hướng là giảm nợ nước ngoài tăng nợ trong nước. Xu thế của các nước là tăng tỷ lệ nợ trong nước như Nhật Bản nợ công 200% và toàn bộ là nợ trong nước", người đứng đầu ngành tài chính đánh giá.
Nguyễn Hoài